Kỳ 1: Khơi sức dân, hình hài phố mới cao tốc
Giữa tháng 8/2024, bước vào đợt cao điểm của phong trào thi đua 500 ngày đưa các công trình cao tốc về đích do Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động, Bình Định là một trong số ít các địa phương tiên phong hoàn thành 100% GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án cao tốc bứt tốc thi công.
Giải bài toán "khổng lồ" mặt bằng cao tốc
Thống kê với 2 dự án cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Bình Định có gần 120km cao tốc chạy dọc tỉnh, với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 1.496,58ha. Chỉ riêng tuyến chính cao tốc xác định có 11.771hộ/16.274 thửa đất/988,83ha bị ảnh hưởng; 904 hộ bị giải tỏa phải bố trí tái định cư; 2 điểm Di tích lịch sử được công nhận cấp Quốc gia và 6.835 ngôi mộ phải di dời; 90 vị trí tuyến điện trên 110kV; 95 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật do Trung ương quản lý và trên 200 công trình hạ tầng kỹ thuật do địa phương quản lý phải di dời. Đồng thời, phải thực hiện đầu tư xây dựng 40 khu tái định cư (71,35 ha/1.723 lô đất) và 7 khu cải táng mồ mả (2,238 ha). Chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được Bộ GTVT phê duyệt là: 4.953 tỷ đồng.
"Đúng là một khối lượng việc khổng lồ", Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh khi nhắc lại các công tác GPMB cao tốc qua địa bàn vừa qua.
Theo ông Hoàng, không chỉ có khối lượng công việc rất lớn, thời gian hoàn thành GPMB cũng phải ngắn gọn. Trong khi đó, nguồn nhân lực không được bổ sung, trong khi các cán bộ tại các phòng chuyên môn của địa phương phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, công việc cùng thời điểm.
"Thực sự mà nói, đây là bài toán khó đối với địa phương. Vì thế, ngay khi có chủ trương về dự án, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Bình Định vào cuộc. Quan điểm của Bình Định xuyên suốt quá trình GPMB đó là "dựa vào dân" để thực hiện, dân đồng thuận thì khó mấy cũng xong. Chính quan điểm dựa vào dân để hoàn thành việc lớn giúp Bình Định thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng", ông Hoàng nói.
Theo đó, ngay khi Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ được ban hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành của tỉnh và các địa phương có liên quan đã xác định dự án Cao tốc Bắc - Nam không những là công trình trọng điểm quốc gia mà còn là dự án đặc biệt quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
Do đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã huy động cả bộ máy chính trị của tỉnh vào cuộc và đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh GPMB như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị số 20-CT/TU; UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; Quy chế phân công các thành viên Ban Chỉ đạo; thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo; thành lập Tổ giải quyết các khó khăn, vướng mắt; phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; ủy quyền xác định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất và giá đất cụ thể để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...
Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã chủ động thực hiện công tác lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư đối với 30 xã, phường, thị trấn có tuyến đường Cao tốc đi qua để tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, tạo thuận lợi trong công tác bồi thường, GPMB đáp ứng yêu cầu tiến độ.
"Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua địa phận tỉnh Bình Định có chiều dài 118km, đi qua 80 xã, phường thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, bao gồm 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi – Hoài Nhơn; Hoài Nhơn – Quy Nhơn và Quy Nhơn – Chí Thạnh. Liên quan tới dự án này, Bộ GTVT tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư thành tiểu dự án do UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện".
An cư nơi "phố mới" cao tốc
Không chỉ các giải pháp quyết liệt trong công tác đền bù, hỗ trợ GPMB, Bình Định xác định hoàn thành sớm khu TĐC cao tốc là tiền đề quan trọng để người dân sớm bàn giao mặt bằng cho cao tốc và ổn định nơi phố mới.
Dự án cao tốc đi qua địa bàn xã Cát Hiệp dài 5km, có 15 hộ dân giải tỏa trắng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đến nay, 2 khu tái định cư phục vụ cho các hộ dân bị di dời do cao tốc hoàn thành, người dân "an cư" nơi ở mới.
Những ngày qua, Người Đưa tin đi dọc những khu TĐC cao tốc qua địa bàn, chứng kiến những ngôi nhà khang trang, những con đường thẳng tắp, cuộc sống đầy nhộn nhịp.
Bà Lê Thị Diệp (64 tuổi) ở khu TĐC Tân Xuân, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cười giòn tan: "Cuộc sống ở khu TĐC như vậy là mừng lắm. Nhà cửa khang trang, sạch đẹp hơn. Khác hơn trước là về đây thì diện tích sản xuất thu hẹp lại, về đây thì bà con tập trung vào sản xuất nông nghiệp, làm vườn, trang trại ở nơi xa hơn chút xíu. Nhưng bù lại, không khí ở nơi mới trong lành, về lâu dài thì chúng tôi sẽ tính toán công việc phù hợp".
Tại khu TĐC An Bình (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, Bình Định), các hộ dân ổn định với cuộc sống mới. Nhiều hộ dân chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ, số khác thì được tuyển vào làm công nhân ở các nhà máy trong khu công nghiệp. Đời sống người dân đã bắt đầu vào nhịp, những lo lắng, trăn trở của ngày đầu di dời đã được gác lại.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành (46 tuổi, thôn Bình An 1, xã Phước Thành) cho hay, gia đình ông nằm trong diện giải tỏa trắng nhường 1.330m2 đất cho đường cao tốc, di dời đến khu TĐC Bình An.
"Dự án đường cao tốc là chủ trương lớn của quốc gia, ban đầu biết gia đình trong diện ảnh hưởng, tôi lo lắm. Qua công tác tuyên truyền, tôi hiểu nên cùng vận động các gia đình trong diện ảnh hưởng sớm di dời để đảm bảo dự án lớn. Tôi được bồi thường và bố trí một lô đất 300m2 với giá ưu đãi, vậy là phù hợp"- ông Thành nói.
Để nhường đất cao tốc, có trên 1.300 hộ dân huyện Tây Sơn bị ảnh hưởng, gần 100 hộ giải tỏa trắng. Điều mà Tây Sơn quyết liệt và ưu tiên làm sớm đó là xây dựng các khu TĐC để người dân an tâm dọn đến nơi ở mới.
Tại khu TĐC Tây Vinh (huyện Tây Sơn), bên cạnh hạ tầng, tiện ích đầy đủ như điện, nước sạch, đường, công viên cây xanh…địa phương đầu tư thêm một trường tiểu học phục vụ người dân.
Ông Đào Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), nói: "Từ trước đến nay, địa bàn xã Cát Hiệp chưa có dự án có quy mô lớn với mức ảnh hưởng như thế này cả. Nói thật, chúng tôi thời điểm ban đầu ấy lúng túng lắm. Mình cũng chưa hình dung được, chưa có dự án nào trước để "học" mà làm theo, nên thực sự là khó. Nhưng cái khó ló ra cái không, chúng tôi nghĩ mình cán bộ đi trước, đi học hỏi xem các nơi khác họ làm thế nào rồi về hướng dẫn cho dân mình".
Theo ông Chung, người dân đồng thuận, ủng hộ dự án lớn của nhà nước nhưng cái họ băn khoăn nhất là bao nhiêu năm đã ở đây, nơi thờ tự ông bà cũng ở đây, ruộng vườn ở đây, giờ đi chỗ mới, sống làm sao? Dân không phải đối, nhưng dân lo là đúng, là có cơ sở. Để an dân, cùng với công tác vận động di dời, những khu tái định cư đã được ưu tiên xây dựng trước để người dân yên tâm dọn về nơi ở mới.
Trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng ông Huỳnh Văn Lưu (63 tuổi) và bà Trần Thị Nhật Phượng (63 tuổi) ở khu TĐC thôn Hòa Đại (xã Cát Hiệp), xúc động, nói: "Nói thật, lúc nghe tin nhà mình trong diện giải tỏa trắng, tôi khóc ngày đêm, sụt liền 6kg trong mấy tháng trời, cứ nôn nao theo tin di dời. 35 năm ở nhà đang yên ổn, đùng cái phải đi chỗ mới. Giờ thì chúng tôi bỏ xuống mọi lo lắng rồi, gia đình an tâm nơi môi trường sống mới đầy đủ hạ tầng, tiện ích này", bà Phượng nói.
Ông Phạm Trương – Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn, khẳng định, GPMB tốt phải cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc, làm tốt vận động, tuyên truyền, đặc biệt là chính sách đền bù cho người dân phải thỏa đáng. Phải để cho bà con nhân dân yên tâm, phải để dân thấy được nơi ở mới luôn tốt hơn nơi ở cũ, phải đảm bảo cho người dân có điều kiện phát triển sản xuất nơi ở mới.
(Còn tiếp)