Video: Không vận hành trạm cân, mỏ cát ồ ạt tuồn cát ra ngoài trái quy định
Mỏ “quên” trạm cân, có cũng như không
Từ nguồn tin báo người dân, những ngày trung tuần tháng 1/2024, PV Người Đưa Tin thực tế các mỏ cát trên địa bàn huyện Vân Canh, không quá khó để phát hiện hoạt động khai thác cát ở đây diễn ra rầm rộ, nhưng “bỏ quên” nhiều quy định trong giấy phép.
Sáng sớm các ngày 13-15/1, tại mỏ cát sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Hiển và Canh Hiệp (huyện Vân Canh) của Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Quy Nhơn (trụ sở Cát Thành, Phù Cát, Bình Định), 2 máy múc hoạt động hết công suất. Từng lượt xe ben loại 2-3 chân nối nhau ra phía lòng sông, nhận gàu cát được khai thác lộ thiên. Phút chốc cát được múc lên đầy thùng có ngọn, lưu thông theo con đường công vụ ra ngoài.
7 giờ sáng 14/1, cặp xe ben BKS 77C-042.69 và 77C-008.01 vừa nhận đầy thùng cát xong, 2 chiếc xe ben khác BKS 77C-238.04, 77C-137.06 nối nhau vào nhận cát. Từng lượt gàu ngoặm sâu xuống lòng sông Hà Thanh, xúc cát nguyên khai lên thành thùng xe. Nhẩm tính trong vòng tiếng đồng hồ từ 9 giờ 45- 10 giờ 45 cùng ngày (14/1) có hơn chục xe ben chở cát từ mỏ chạy thẳng ra QL19C.
Ghi nhận PV, suốt chiều dài đường công vụ chừng vài trăm mét này không hề có trạm cân để giám sát tải trọng, khối lượng khai thác theo quy định. Tài xế chỉ việc tấp lại, chạy về phía lán trại có các nhân viên chờ sẵn để lấy phiếu, thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản và tiếp tục đánh lái đưa xe ra QL19C.
Trong vai người mua cát, PV được nam thanh viên làm nhiệm vụ ghi sổ sách kiểm kê xe ra vào ở lán trại Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Quy Nhơn xác nhận, mỏ chưa lắp đặt trạm cân, việc tính toán khối lượng là theo đăng kiểm các xe. Đăng kiểm cho bao nhiêu thì tính bấy nhiêu khối và thu tiền.
Nam thanh niên này cho rằng, bản thân chỉ làm theo yêu cầu của người quản lý (tên L.), chứ không biết vì sao không lắp trạm cân hay khi nào lắp. Khách hàng cần thì các bên sẽ đo kích thước thùng, lấy đăng kiểm để tính khối lượng.
Chiều 14/1, đến sáng 15/1, vẫn với quy trình nhận cát và chở ra QL19C, hàng chục xe ben vào ra mỏ cát công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Quy Nhơn tấp nập. Theo sổ theo dõi của mỏ, hầu hết các xe 2 chân có thể tích thùng chở 5-6 khối cát, loại 3 chân chở 13-15 khối.
Tương tự tại mỏ cát trên sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Hiển (Vân Canh) của Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai (trụ sở Phú Yên) dù được bố trí trạm cân ngay ở ngã ba đường công vụ ra vào mỏ và QL19, nhưng trong cảnh “có cũng như không”. Thậm chí nhiều thời điểm trong các ngày 13-14/1, PV dễ dàng ghi nhận trạm cân này được nhân viên mỏ dùng làm nơi để xe máy, đặt đồ đạc.
Tại đây, các xe ben gắn logo “Nắng Ban Mai”, “Bình An” (chủ yếu loại 3-4 chân, chở 15-17 khối) ra vào, tần suất hoạt động lớn. Tuy nhiên, tại các thời điểm PV ghi nhận đều không có xe nào lên bàn cân. Trạm cân cũng có dấu hiệu không hoạt động, không hiển thị thông số lên màn hình gắn ở nhà điều hành theo quy định.
Chỉ riêng từ 13h chiều 14/1 có hơn chục lượt xe ben 4 chân BKS 78H-01084, 78H-00918, 78H-01028, 78H-00980, 78H-01022 (kích thước thùng theo đăng kiểm gần 14 khối)… nhận đầy thùng cát từ lòng sông chạy theo con đường công vụ, không đi lên bàn cân và ra thẳng QL19 hướng về phía Quy Nhơn.
Theo cánh tài xế xe chở vật liệu khu vực xã Canh Hiển, lâu nay các mỏ đều không có trạm cân, hoặc có cũng như không. Việc tính toán khối lượng các xe theo thông số đăng kiểm, hoặc chủ mỏ sẽ đo kích thước thùng chứ không qua bàn cần.
Bán không hóa đơn, tuồn cát vào Phú Yên
Tìm hiểu PV, ngày 25/8/2023, ông Nguyễn Tuấn Thanh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký Giấy phép khai thác khoáng sản số 166/GP cho Công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng Quy Nhơn được khai thác cát lộ thiên trên sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Hiển, Canh Hiệp với diện tích 2ha, trữ lượng gần 31.000 khối, chia 2 năm (2023 và 2024). Trong đó, từ tháng 1 đến tháng 9/2024 có công suất gần 13.000 khối cát nguyên sinh, tính trung bình mỗi tháng mỏ có công suất hơn 1.400 khối.
Để khai thác khoáng sản, Bình Định yêu cầu các chủ mỏ phải lắp đặt camera, bàn cân cùng loạt điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, dù bước vào giai đoạn khai thác rầm rộ, nhưng Công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng Quy Nhơn không hề lắp đặt trạm cân.
Khối lượng cát lớn cứ thế khai thác nguyên khai, và vận chuyển ra ngoài mà không hề được kết nối dữ liệu giám sát đến cơ quan chức năng. Thay vào đó, nhân viên mỏ quản lý thủ công qua cuốn sổ theo dõi vật tư cát xây (không VAT).
Chiều 14/1, trong vai người mua cát, PV được nam nhân viên ở đây cho biết, cát xây qua sàng 110.000 đồng/khối, không qua sàng 90.000 đồng/khối, nếu có VAT thì cộng thêm 50.000 đồng/khối. Theo nam thanh niên này, các xe mua cát không VAT được lập sổ riêng để thu tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Mỗi ngày có trên dưới 50 xe đủ loại 2-3 chân. Tính ra mỗi ngày mỏ thu tiền mặt khoảng 20 triệu đồng (chưa tính tiền các xe chuyển khoản), tương đương khoảng 200 khối cát. Ước tính mỗi tháng có đến trên dưới 6.000 khối cát được bán ra ngoài không cần hóa đơn, vượt gần 4 lần công suất trung bình của mỏ.
Không chỉ có dấu hiệu khai thác vượt công suất, nguồn cát từ mỏ Quy Nhơn này còn được tuồn ra ngoài tỉnh Bình Định, vi phạm quy định mục đích khai thác để phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
14 giờ chiều 11/1, PV bám theo hành trình ngẫu nhiên của xe ben BKS 77C-195.63 từ mỏ Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Quy Nhơn bẻ lái ra QL9C, chạy về đường ĐT 638, ra QL1 lưu thông qua hầm Cù Mông vào địa phận Phú Yên để đổ tại bãi chứa cát ở xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu (Phú Yên).
Chiều 15/1, trao đổi với PV, ông Trần Đình Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, đã tiếp nhận phản ánh của Người Đưa Tin. Việc các mỏ không lắp trạm cân, hoặc trạm cân không hoạt động là sai quy định. Tại các giấy phép khai thác khoáng sản, Bình Định quy định rõ mục đích các mỏ nên nếu các xe chở cát vào Phú Yên là không đúng. Sở sẽ lập đoàn kiểm tra, trước mắt tập trung ở 2 mỏ do Người Đưa Tin phản ánh và sẽ có thông tin kết quả phản hồi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…
SƠN TÙNG