Theo đó, thực hiện theo văn bản của Cục Thủy lợi về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2024, ngành nông nghiệp kiểm tra 164 hồ chứa nước (dung tích từ 50.000m3 trở lên), 289 đập dâng và các hệ thống kênh mương thủy lợi trong toàn tỉnh.
Qua kiểm tra, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định xác định có 10 hồ chứa bị hư hỏng, nguy cơ mất an toàn cao cần hạn chế tích nước gồm: Hóc Quăn, Lòng Bong, Nam Hương, Bàu Dài, Bàu Sen, Hòa Mỹ, Hóc Bông, Thuận An, Hóc Sanh, Hóc Huy. Các hồ chứa này đều được khuyến cáo hạn chế tích nước trong mùa mưa năm nay.
Hằng năm, trước mùa mưa lũ chính vụ, các đơn vị quản lý hồ chứa phối hợp với các địa phương để triển khai xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho từng công trình đập, hồ chứa, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Các đơn vị quản lý hồ, đập đều triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" – chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ; nâng cao năng lực khai thác phục vụ sản xuất và dân sinh, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị Cục Thủy lợi sớm ban hành khung chương trình, tài liệu đào tạo, tập huấn về công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, an toàn đập để địa phương tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Hướng dẫn tổ chức tập huấn việc kiểm tra, đánh giá an toàn đập theo tiêu chuẩn mới TCVN 11699:2023 Công trình thủy lợi-Đánh giá an toàn đập.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thông tin, từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp 40 hồ chứa và xây mới 2 hồ chứa. Đến năm 2025 sẽ hoàn thành nâng cấp, sửa chữa 12 hồ thuộc dự án sửa chữa nâng cấp các hồ chứa hư hỏng giai đoạn 2021-2025.