Theo thống kê, hiện nay tại khu vực đầm Đề Gi thuộc 2 thôn An Quang Ðông và An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có hàng chục hộ đang làm nghề sản xuất, chế biến mực xà.
Bình quân mỗi ngày, các hộ dân này sản xuất, chế biến từ 2 - 4 tấn mực, số lượng sẽ tăng gấp đôi nếu vào chính vụ (từ tháng 2 - 8 âm lịch, đặc biệt vào tháng 4-5 âm lịch). Việc sản xuất, chế biến mực xà diễn ra thường xuyên làm nhiều người dân sống xung quanh khu vực này cũng bức xúc vì mùi hôi thối do ruột, túi mực gây ra.
Điều đáng nói là nước thải được các cơ sở này xả trực tiếp ra môi trường và thấm xuống đất tại một số hộ gia đình hoặc chảy ra đầm Đề Gi, lâu ngày tạo thành lớp bùn đen đặc. Người dân sống xung quanh khu vực đầm Đề Gi lâu nay phải cam chịu sống chung với ô nhiễm.
Ông T.N. (một người dân sống tại thôn An Quang Tây) thở dài nói: “Dù biết đây là nghề mưu sinh của bà con, nhưng mùi hôi thối từ việc sản xuất nghề này làm những người dân sống xung quanh rất bức xúc và khó chịu. Việc sinh hoạt gia đình từ đó cũng gặp nhiều khó khăn”.
“Nhiều lần trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh tình trạng này lên các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Nhưng đến nay, vẫn chưa có phương án xử lý, ảnh hưởng đến môi trường biển cũng như cuộc sống của người dân tại đây”, ông T.N cho biết thêm.
Một số hộ dân ở đây lo ngại: “Hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với mùi hôi thối từ các cơ sở chế biến mực xà này, rất dễ bị bệnh liên quan đến hệ hô hấp như: viêm mũi, viêm xoang... Bà con chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có vùng quy hoạch đưa các cơ sở này đi nơi khác, có như vậy cuộc sống của bà con mới được thay đổi”.
Ông Nguyễn Công Tại, Trưởng thôn An Quang Tây cho hay: "Từ lâu thôn cũng đã vận động người dân bỏ nghề này nhưng vì đây là miếng cơm, manh áo nên họ vẫn làm. Việc sơ chế mực xà gây ô nhiễm, bốc mùi hôi làm khu dân cư rất khó chịu. Được biết, tại các huyện như: Hoài Nhơn, TP.Quy Nhơn đã cấm sản xuất mực xà, nhưng ở Phù Cát thì lại chưa cấm. Điều lo ngại hơn nữa là sức khỏe người dân luôn bị đe dọa. Ngoài viêm mũi, viêm xoang thì nhiều người mắc bệnh ung thư dạ dày, gan, bệnh hiểm nghèo ở độ tuổi thanh niên, tuổi lao động ngày càng tăng mỗi năm".
Theo tìm hiểu, các cơ sở sản xuất, chế biến mực xà chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư và ven đầm Đề Gi. Do chưa xây dựng được bể chứa nước thải, nên các cơ sở này “vô tư” xả thẳng ra đầm Đề Gi bằng các đường ống nhựa được đấu nối sẵn trước đó. Việc xả thải vô hình trung đang hằng ngày đe dọa đến môi trường biển.
Ngoài ra, mực xà sau khi chọn lọc, sơ chế thì được các hộ sản xuất đem phơi ở những khu đất trống nên mùi hôi thối cứ thế phát tán khắp nơi làm khu dân cư quanh khu vực đầm Đề Gi khó chịu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: “Việc xử lý ô nhiễm trong hoạt động sản xuất, chế biến mực xà ở khu vực đầm Đề Gi đang là một vấn đề khó khăn. Sau khi có phản ánh của cơ quan báo chí, UBND huyện đã khẩn trương họp liên ngành và thành lập đoàn khảo sát, đánh giá thực tế tình hình gây ô nhiễm môi trường từ các hộ sản xuất, chế biến mực xà, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục”.
Ngoài ra, ông Kiên cũng cho biết thêm, hiện UBND huyện Phù Cát cũng đã chỉ đạo địa phương vận động, tuyên truyền các chủ cơ sở chế biến mực xà cần chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm. Qua đó, đảm bảo sự hài hòa giữa sản xuất, chế biến mực xà với bảo vệ môi trường.