Ngày 14/10, thông tin từ UBND tỉnh Bình Định cho hay, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo này nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở VH&TT tỉnh này phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, báo cáo đầy đủ số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích.
Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân.
Cùng với đó, tăng tính minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và các hoạt động lễ hội, tỉnh đề nghị các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận, bao gồm cả tiền trong hòm công đức; mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi; mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước và kịp thời gửi các khoản tiền chưa có nhu cầu sử dụng vào tài khoản.
Trường hợp các di tích đang giao tiền cho cá nhân giữ hoặc đứng tên gửi tiết kiệm phải chuyển về tài khoản của tổ chức được giao quản lý di tích theo quy định. Không đặt đĩa, đặt khay tại nơi thờ tự cho mục đích tiếp nhận tiền công đức, tài trợ và các khoản tiền có tính chất tương tự.
Thực hiện lắp camera giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ; khuyến khích triển khai việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản thông qua quét mã QR tại các điểm di tích.
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Bình Định hiện có 149 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt; 34 di tích cấp Quốc gia, 113 di tích cấp tỉnh. Cụ thể, có 133 di tích lịch sử, lịch sử cách mạng; 11 di tích kiến trúc nghệ thuật; 3 di tích khảo cổ, 2 di tích danh lam thắng cảnh.
Những năm qua, thực hiện phân cấp trong quản lý di tích, UBND tỉnh Bình Định giao Sở VH&TT tỉnh này quản lý hệ thống di tích trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Sở giao Bảo tàng tỉnh quản lý hệ thống di tích tháp Chăm, di tích lịch sử cách mạng và các di tích danh lam thắng cảnh. Bảo tàng Quang Trung quản lý di tích nhà nước trên địa bàn huyện Tây Sơn.