Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã cho biết như vậy tại cuộc họp của UBND tỉnh này vào sáng 18/7 về việc hỗ trợ người dân Bình Định đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại TP.HCM có nhu cầu trở về quê.
Dự kiến, trong 2 tuần tới, sẽ có 4 chuyến bay, mỗi chuyến 250 hành khách vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu từ Tân Sơn Nhất đến sân bay Phù Cát.
"Chi phí thuê máy bay và đưa 1.000 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê sẽ được xã hội hóa. Dự kiến, chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 20-7.
Người dân Bình Định có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM muốn trở về quê thì hãy liên lạc với Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục đăng ký.
Bà con Bình Định đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP.HCM hãy bình tĩnh và thực hiện các thủ tục đăng ký đầy đủ.
Ở quê nhà, chúng tôi đã có những sự chuẩn bị chu đáo để giúp người dân yên tâm sống, sinh hoạt trong các khu cách ly tập trung một cách an toàn. Sau khi xuống sân bay, người dân sẽ được đưa thẳng về khu cách ly tập trung”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Phi Long.
Tại quê nhà, người về từ vùng dịch sẽ được kiểm tra y tế, sàng lọc nghiêm ngặt trước khi biết mình thuộc nhóm đối tượng bắt buộc cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà (nơi lưu trú). Toàn bộ chi phí trong thời gian sống tại các khu cách ly tập trung đều được miễn phí.
“Ai có điều kiện thì họ đã chủ động về rồi. Người muốn hồi hương mà kẹt lại đến nay thì chỉ có thể là đối tượng đặc biệt khó khăn, không đủ khả năng tự xoay trở. Hỗ trợ bà con không chỉ là câu chuyện trái tim hối thúc mà còn là trách nhiệm chính trị của hệ thống chính quyền, đoàn thể các cấp. Chúng tôi duy trì chặt chẽ quan hệ phối hợp với Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm cách thức đưa bà con trở về bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất. Thời điểm nước sôi lửa bỏng này, người Bình Định nêu cao tinh thần chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, rau cháo có nhau”, tờ Lao Động trích lời Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Được biết, đã có nhiều phương án được cân nhắc. Ngoài đường bộ, là đề nghị vận chuyển bằng tàu lửa do sở Y tế Bình Định đưa ra. Cuối cùng, chỉ hàng không có thể thỏa mãn các yêu cầu đặt ra, cho dù đó là phương án đắt đỏ.
Theo số liệu tổng hợp, từ thời điểm khởi phát đợt dịch thứ 4, đã có khoảng 10.000 người Bình Định mưu sinh ở các tỉnh phía nam trở về quê. Hiện dòng người này vẫn lưu chuyển liên tục, bình quân khoảng 200 người/ngày. Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, tính từ 1/7 đến nay, có 3.729 người từ TP.HCM về Bình Định qua các chốt kiểm soát. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 Bình Định đánh giá đây là nguồn nguy cơ lớn khiến diễn biến dịch bệnh ở địa phương trở nên ngày càng phức tạp.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Tuổi Trẻ)