Ngày 4/8, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Huỳnh Ngọc Diệp - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định, xác nhận, trên địa bàn tỉnh này chưa xuất hiện Dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Theo ông Diệp, hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng 711 nghìn con, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Dù chưa ghi nhận ổ dịch, tuy nhiên mầm bệnh các loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn tồn tại trong môi trường; trong khi đó, kết quả tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi chưa đạt tỷ lệ.
Thêm vào đó, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến bất thường, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển, và dẫn đến phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nguy cơ dễ tái phát dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cao.
"Dịch bệnh tả lợn châu Phi dễ lây lan, phát tán trong môi trường theo nhiều con đường. Giải pháp tối ưu nhất vẫn là ưu tiên tiêm vắc xin phòng ngưa", ông Diệp thông tin thêm.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch (nếu có), không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Thành lập Tổ kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, công tác chỉ đạo, tổ chức phòng chống dịch bệnh tại các địa phương và hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ, kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật; nhất là các chợ, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thuộc địa bàn quản lý.
Trước đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT tỉnh này đã thông tin về tình hình Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 26 xã của 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Bao gồm: Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng và thị xã Đức Phổ, Tp. Quảng Ngãi.Lực lượng chức năng đã khoanh vùng và tiêu hủy 430 con heo bị bệnh.
Theo nhận định của Sở NN&PTNT tỉnh này, Dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan cao, ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm và chỉ số giá tiêu dùng, môi trường và sức khỏe của người dân.
Nguyên nhân ban đầu được đưa ra đó là việc người dân e ngại không thực hiện tiêm vắc xin phòng ngừa theo khuyến cáo.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đề có tờ trình UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng ngừa Dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho đàn lợn.
44 xã của 13 tỉnh, thành phố đã có dịch Lở mồm long móng; 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại; trên 60 xã của 9 tỉnh có dịch viêm da nổi cục trâu, bò;
7 tỉnh đã xảy ra cúm gia cầm A/H5N1 đặc biệt đã có một người chết vì nhiễm virus Cúm gia cầm A/H5N1 và một người nhiễm virus Cúm gia cầm A/H9N2.