Theo đó, UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua "Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 -2025.
Theo kế hoạch này, Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 96 xã); trong đó, có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 39/96 xã đạt chuẩn) và ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 10/96 xã đạt chuẩn); không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Đồng thời, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới đối với Tây Sơn, Phù Mỹ; nâng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới lên 7/11 đơn vị cấp huyện. Trong đó, phấn đấu ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao (dự kiến phấn đấu huyện Tuy Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao).
Phấn đấu có 60% số thôn, làng (sau đây gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.
Theo kế hoạch này, tỉnh giao các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới; tổ chức giám sát thực hiện xây dựng nông thôn góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của phong trào. Tập trung phát huy sáng kiến, cải tiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở địa phương; trong đó cần tập trung phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành... trong việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với từng địa bàn và đối tượng dân cư.
Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực, tăng cường đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới. Từng xã, huyện phấn đấu hoàn thành sớm hoặc đúng theo kế hoạch, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí sau khi đạt chuẩn.