Chiều 8/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp báo kinh tế-xã hội 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng điểm của 3 tháng cuối năm 2024.
Kinh tế tăng trưởng khả quan
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh duy trì sự ổn định và phục hồi, phát triển. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,53% so với cùng kỳ, xếp vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; thứ 5/14 tỉnh thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; đồng thời xếp nhất trong nhóm 5 tỉnh, thành phố thuộc Tiểu vùng Trung Trung bộ.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng, thu hút đầu tư cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng, trong đó có đầu tư vào các cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh thu hút được 16 dự án mới vào các cụm công nghiệp với tổng vốn 1.889 tỷ đồng. Tính đến nay, Bình Định thu hút được 380 dự án, quy mô 738 ha, tỷ lệ lấp đầy tại các cụm công nghiệp là 80%.
Du lịch tăng trưởng ấn tượng, tổng doanh thu du lịch 9 tháng hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 10.354 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá tích cực. Đến nay, Bình Định giải ngân 5.737 tỷ đồng, đạt 72,95%, nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước. Văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng ổn định.
Ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, nhất là các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024. Theo dõi sát tình hình thực tiễn, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Đảm bảo an toàn cho người dân ở các vùng nguy cơ cao sạt lở
Tại họp báo, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thông tin nhiều vấn đề liên quan tới phản ánh của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh như tình hình di dời dân ở các khu vực sạt lở, thi công dự án nâng cấp quốc lộ 19 ì ạch, công tác quản lý xây dựng trên địa bàn Tp. Quy Nhơn, phát triển du lịch điện ảnh, chính sách xóa nhà tạm, xây dựng tái định cư cho người dân thực hiện đề án di dời tàu thuyền về cảng Đề Gi…
Theo ông Lâm Hải Giang, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh đã có phương án cụ thể theo từng kịch bản ứng phó với thiên tai, trong đó công tác di dời dân được đặt lên đầu.
"Nguồn lực của tỉnh chưa thể bố trí hết các khu tái định cư. Do vậy, di dời dân theo các phương án đã xây dựng phù hợp với đặc thù từng địa phương sẽ được triển khai khi có mưa lũ. Hiện nay, Bình Định đã hoàn thiện phần mềm quản lý thiên tai cấp tỉnh, theo đó có đầy đủ dữ liệu dân cư, các khu vực ngập lụt, sạt lở… để thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Đối với khu dân cư khu vực núi Cấm (Chánh Thắng, Cát Thành, Phù Cát), 64 hộ dân ở đây được bố trí di dời vào các điểm an toàn trong mùa mưa bão năm nay. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phù Cát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khu tái định cư cho các hộ dân nơi này"- ông Giang thông tin thêm.
Các vấn đề mà báo chí phản ánh, tỉnh sẽ rà soát, xem xét và xử lý từng vấn đề phù hợp. Ông Giang cho hay, thời gian qua, nhờ công tác tiếp dân của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là các buổi tổ chức đối thoại với công dân của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh giúp cho việc khiếu kiện, khiếu nại giảm; các vấn đề bức xúc trong dân cũng được giải quyết kịp thời.