Ngày 15/10 UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại địa phương này để giải đáp các vấn đề đang tồn đọng, mà doanh nghiệp chưa nắm và cần làm rõ.
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh nhiều bất cập, trong đó nói về tình trạng nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh này luôn xảy ra tình trạng ách tắc, kẹt xe…
Bên cạnh đó, hiện nay vấn đề thiếu nguồn lao động rất nhiều. nhưng lại xuất hiện tình trạng công nhân được “bảo kê” nghỉ làm gây ảnh hưởng đến quá trình sản suất.
Cụ thể, các doanh nghiệp cho hay, hiện nay một số công nhân thường xuyên nghỉ việc thất thường và báo bệnh. Những người này sau ngày nghỉ dài đã đến công ty mang theo giấy khám bệnh, sổ khám bệnh và giấy xin nghỉ bệnh…
Sự việc xảy ra liên tục khiến các doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho công nhân, nhưng các công việc trong công ty bị ngưng trệ. Việc này làm cho doanh nghiệp nghi ngờ có sự “bảo kê” từ các phòng khám, trung tâm y tế…
Nạn cướp giật lộng hành ở quanh doanh nghiệp khiến tâm lý công nhân bất an.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lại “than trời” vì việc thu tiền quỹ phòng chống thiên tai.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương quy định các doanh nghiệp phải đóng quỹ và thu quỹ từ công nhân. Tuy nhiên, việc thu tiền gặp phải nhiều bất cập khi công nhân phản ứng số tiền thu làm gì, chi ra sao…?
Trả lời việc trên, đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, theo Điều 10, Điều 5, Nghị định 84 thì doanh nghiệp tối thiểu phải nộp 500.000 đồng/năm và công nhân phải đóng 1 ngày lương/người/năm cho quỹ phòng chống thiên tai.
Mọi thu chi đều được báo cáo UBND tỉnh và có công khai trên Website Sở này nên các doanh nghiệp có thể lên xem và tìm hiểu.
Ngoài sự việc trên, đại diện một công ty Nhật Bản cho rằng, cục Thuế Bình Dương gây khó khăn cho họ.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển.
Ông Liêm khẳng định sẽ chỉ đạo các ban, ngành khẩn trương khắc phục và tháo gỡ những vấn đề doanh nghiệp phản ánh.
Tại buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, Bình dương là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 3.700 dự án đầu tư từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 33,8 tỷ đô la Mỹ tính cả vốn đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần là 34,87 tỷ đô la Mỹ.
Tính đến ngày 31/12/2018, Bình Dương có 27.566 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 3 cả nước, là địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp 17,4%, đứng đầu cả nước; mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động đạt 21,7 doanh nghiệp, đứng thứ 5 cả nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 2 tỷ 560 triệu đô la Mỹ, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 82,9% so với chỉ tiêu năm 2019. Có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương.
Trong đó, Nhật Bản đứng đầu với với tổng vốn đầu tư đăng ký 489 triệu đô la Mỹ (304 dự án), chiếm 19,1 tổng vốn đầu tư; Hồng Kông đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 442,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; Đài Loan đứng vị trí thứ 3 với 279 triệu đô la Mỹ.