Tại cuộc họp trên, TS.BS Nguyễn Hồng Chương – Giám đốc sở Y tế Bình Dương đã có báo cáo nhanh về tình hình số ca nhiễm trên địa bàn, số lượng ca bệnh điều trị và công tác triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Trong đó, nhiều mối quan tâm về việc Tp.HCM vừa chuyển cho Bình Dương 1 triệu liều vắc-xin Vero Cell Sinopharm (Trung Quốc) nhằm giúp tỉnh này đạt được việc tiêm chủng tốt và đạt miễn dịch cộng đồng.
Ông Chương cho biết, trong quá trình phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và ngành y tế rất quan tâm đến công tác điều trị, thu dung... trong đó vắc-xin là “lá chắn” quan trọng trong công tác chống dịch. Địa phương này đang nỗ lực để có được nguồn vắc-xin đủ tiêm cho 100% đối tượng thuộc nhóm ưu tiên theo quy định và sẽ thực hiện thần tốc để người dân có được “lá chắn” chống dịch Covid-19.
"Quan điểm của tỉnh và ngành y tế, vắc-xin tốt nhất là vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất. Các loại vắc-xin đã được công nhận đều có công dụng phòng dịch. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp và nguồn phân bổ vắc-xin không nhiều thì có được vắc-xin càng sớm càng tốt”, lãnh đạo sở Y tế Bình Dương cho biết.
Nói về việc triển khai tiêm 1 triệu vắc-xin Vero Cell của Sinopharm, ông Chương cho hay các đơn vị, địa phương đang thực hiện tiêm cho người dân và công nhân tại các doanh nghiệp.
“Vắc-xin Vero Cell của Sinopharm đã có hàng trăm quốc gia sử dụng, trong đó có Trung Quốc. Thực tế cho thấy, hiện nay Trung Quốc, Singapore hầu hết người dân được miễn dịch và gần như trở lại trạng thái bình thường. Người dân nơi đây được tiêm loại vắc-xin này”, Giám đốc sở Y tế Bình Dương nói.
Cũng theo ông Chương, đặc điểm của loại vắc-xin Vero Cell của Sinopharm ngoài công dụng phòng dịch hiệu quả, quá trình tiêm chủng không gây ra biến chứng, người được tiêm rất hài lòng. Đặc biệt, mũi 2 chỉ cách mũi 1 từ 3 đến 4 tuần và có công dụng nhanh.
“Trước đây, Bình Dương đã triển khai tiêm cho hơn 20.000 công dân Trung Quốc tại các doanh nghiệp bằng loại vắc-xin Vero Cell và đạt kết quả tốt. Về lâu dài, việc tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để phòng dịch cho người dân. Qua thống kê cho thấy, người được tiêm vắc-xin khi trở thành F0 rất dễ trị và nguy cơ tử vong hầu như không có”, ông Chương khẳng định.
Theo thông tin từ sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 31/8, Bình Dương đã tiêm 976.473 liều vắc-xin (trong đó có 933.223 người tiêm mũi 1 và 43.250 người tiêm mũi 2).
Ngoài ra, UBND tỉnh vừa chấp thuận chủ trương cho sở Y tế triển khai tiêm vắc-xin đợt 23, 24 cho người dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, triển khai tiêm 30.000 liều vắc-xin AstraZeneca cho các nhóm đối tượng thuộc 11 phường của thị xã Tân Uyên và Tp.Thuận An gồm: Người tham gia tuyến đầu chống dịch (y tế, công an, quân sự, lực lượng hỗ trợ, tình nguyện viên, phóng viên...); người làm việc trong các cơ sở y tế, người thân nhân viên y tế (công lập và tư nhân); các đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian tiêm mũi 2 (8-12 tuần đối với AstraZeneca); nhóm người có nguy cơ hay tiếp xúc nhiều người (lái xe, người làm việc tại nhà thuốc, trạm thu phí, ngân hàng, bưu chính, du lịch, khách sạn...).
Doanh nghiệp cung cấp thiết yếu; doanh nghiệp tích cực hỗ trợ phòng, chống dịch; các chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh, du học sinh chuẩn bị du học nước ngoài; giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục; chức sắc, tôn giáo; người lao động tự do, công nhân, người nghèo; phụ nữ có thai trên 13 tuần trở lên (chỉ được phép tiêm khi có sự đồng ý của bác sĩ sản khoa), bà mẹ cho con bú. Thời gian tiêm từ ngày 01-03/9/2021.
Theo lưu ý của sở Y tế, đối tượng đi tiêm chủng không nằm trong diện nghi ngờ mắc Covid-19 hay có tiền sử tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 trong vòng 21 ngày; những người đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm long đường hô hấp.
Theo ngành y tế tỉnh Bình Dương, tính đến hết ngày 31/8, tỉnh này có hơn 110 nghìn ca nhiễm Covid-19 tính từ đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm trong những ngày qua phát hiện chủ yếu ở Tp.Thuận An, thị xã Tân Uyên và chủ yếu trong khu phong toả và sàng lọc cộng đồng.