Tình hình dịch bệnh tại Bình Dương diễn biến phức tạp, gia tăng các ca nhiễm mới, cụ thể: Tối ngày 1/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, tính từ 6h00 đến 17h00 ngày 01/8/2021, Bình Dương ghi nhận thêm 764 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 2.179 ca (buổi sáng công bố 1.415 ca)
Trong 2.179 ca mắc ghi nhận trong 24 giờ qua có 72 ca tại cơ sở y tế, 1.288 ca tại khu cách ly, 103 ca tại khu phong tỏa và 716 ca qua sàng lọc cộng đồng.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục giãn cách thêm 14 ngày kể từ 0h ngày 2/8/2021. Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các thành phố, thị xã, huyện; ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm soát chặt và thực hiện nghiêm các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không để gnười dân di chuyển khỏi nơi cứ trú cho tới hết thời gian giãn cách (trừ trường hợp được chính quyền cho phép).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao cơ quan ban ngành phải tổ chức cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ… Không để bất kỳ người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, đồng thời tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân, nhất là người tại các khu phong toả.
Ngoài ra, về việc tiêm vaccine phải thực hiện nhanh, đúng đối tượng, an toàn hiệu quả.
Liên quan đến việc cung ứng hàng hoá, hạn chế tối đa việc người dân phải ra ngoài thường xuyên để mua lương thực, thực phẩm sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã đề nghị các đơn vị chức năng, ngành nghề tăng cường hoạt động quản lý dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng xe mô tô 2 bánh, có ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng (shipper).
Theo đó, kể từ ngày 1/8, chỉ cho phép dịch vụ shipper vận chuyển hàng hoá thiết yếu và phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định trong thời gian giãn cách xã hội.
Yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, bổ sung các giải pháp, phòng chống dịch Covid-19 theo quy định và quản lý, kiểm tra hoạt động của người giao.
Đặc biệt, phải rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và thực hiện điều chỉnh giảm 30% số lượng nhân viên giao hàng so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị 16. Chủ động triển khai ngay việc làm “Phù hiệu nhận dạng” cho các nhân viên giao hàng. Cụ thể, trên thẻ có tên, hình, địa chỉ, số điện thoại và xác nhận của công ty.
Các shipper sẽ được hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch, mỗi shipper được hoạt động trên 1 địa bàn thành phố, huyện…
Các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ như nhân viên giao hàng ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp cung ứng hoàng hoá thiết yếu, bưu điện,... các đơn vị ngày cần thực hiện quản lý theo biện pháp yêu cầu nên trên và tập hợp danh sách gửi Sở Công thương xác nhận. Toàn bộ các shipper phải được tổ chức xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần.