Ngày 17/7, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần áp dụng 1 lần duy nhất cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ).
Cụ thể những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo quy định có: Người bán hàng rong; buôn bán nhỏ lẻ trên lề đường không có điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe mô tô 2 bánh và các phương tiện khác có trọng lượng 500kg trở xuống; xe ôm.
Người bán vé số lưu động; người lao động tay chân mang tính tự do trong lĩnh vực xây dựng; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ).
Người làm công việc thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1954/UBND-VX ngày 10/5/2021.
Các đối tượng khác phải tạm dừng công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
Quyết định áp dụng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh đang bị phong tỏa theo quy định của cơ quan nhà nước và các địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh đối với người bán vé số lưu động và một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1954/UBND-VX ngày 10/5/2021.
Điều kiện để người lao động được nhận hỗ trợ: Người lao động tự do bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện; đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo quy định của Luật cư trú.
Tỉnh chỉ đạo hỗ trợ phải đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng dễ dàng tiếp cận chính sách. Đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và nguồn lực thực hiện.
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần bằng tiền mặt trong một chính sách hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Trường hợp đối tượng được thụ hưởng nhiều chính sách thì được quyền chọn một chính sách cao nhất.
Được biết, quyết định hỗ trợ người lao động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/7 đến hết ngày 31/12.