“Khoá" chặt để dập dịch
Ngày 18/8 vừa qua, tại cuộc họp với các huyện, thị, thành phố trên địa bàn về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu “khóa" chặt Tp. Thuận An và thị xã Tân Uyên để dập dịch.
Thông tin tại cuộc họp, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng cục Quản lý môi trường y tế, bộ Y tế nhận định, diễn biến tình hình dịch bệnh ở Tp. Thuận An và thị xã Tân Uyên còn rất phức tạp. Nếu không có những giải pháp kiên quyết, mạnh tay hơn nữa sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, tỷ lệ tử vong cao.
Ở đợt xét nghiệm diện rộng lần 2 đang triển khai, cho thấy Tp. Thuận An và thị xã Tân Uyên đều có tỷ lệ F0 tăng rất cao.
Đăc biệt là Tp. Thuận An (số ca mắc phát hiện qua xét nghiệm diện rộng lần 1 dưới 2%; lần 2 là 12,7%; khu vực ổ dịch nhà trọ có nơi lên đến 15%) (ngày 16 - 18/8, Thuận An ghi nhận hơn 2.800 ca dương tính với Covid-19).
Tại thị xã Tân Uyên, số ca mắc diện rộng lần 1 dưới 1,2%, lần 2 là 3,6% (ngày 16 - 18/8 ghi nhận hơn 2.000 ca). Dịch bệnh tại đây diễn biến phức tạp, nếu không có biện pháp quyết liệt sẽ giống như tình trạng của Tp. Thuận An hiện nay.
Lý giải về nguyên nhân số ca mắc tăng cao, ông Dương Chí Nam cho rằng: “Trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện xét nghiệm lần 1 triển khai chậm, 12 ngày mới xong để quay lại xét nghiệm lần 2, nên số ca F0 liên tục tăng theo cấp số nhân.
Trong đó, khu vực Tp. Thuận An lại rất đông dân cư, công nhân sinh sống, phòng trọ sát nhau, sống trong diện tích hẹp nên việc lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra”.
Ông Nam nhấn mạnh: “Tp. Thuận An sát ngay cạnh Tp. Thủ Đức và quận 12 của Tp. Hồ Chí Minh nên bị ảnh hưởng và bị nhiễm rất sâu, rộng. Do đó, cần phải kiên trì, quyết liệt dùng mọi biện pháp, kể cả các biện pháp rất mạnh”.
Về phương án dập dịch, TS.BS Trần Quang Cảnh, Chủ tịch Hội đồng trường đại học Y tế kỹ thuật Hải Dương cho rằng: “Chiến lược vẫn là giãn cách, cách ly; xét nghiệm.
Cần chuẩn bị đủ vật tư để đáp ứng tiến độ lấy mẫu. Phối hợp giữa chính quyền địa phương với đơn vị lấy mẫu. Để để tránh lây nhiễm, chính quyền địa phương cần tổ chức địa điểm, vận động toàn bộ người dân lấy mẫu, khi đó mới đảm bảo không còn F0 trong cộng đồng”.
Các chuyên gia đoàn công tác hỗ trợ của bộ Y tế cho rằng, hiện tại Bình Dương cần phải kiến nghị bộ Y tế tăng cường Chỉ thị 16+ đối với Tp. Thuận An và thị xã Tân Uyên cho tới 30/8, yêu cầu người dân tuyệt đối không được ra đường và tụ tập đông người, thực hiện đúng giãn cách ai ở đâu ở yên đó.
Quản lý nghiêm ngặt chốt chặn, căng dây ngăn cách giữa vùng xanh-vàng-đỏ, khoá chặt ổ dịch ở vùng đỏ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cung ứng thực phẩm trực tiếp, bán thực phẩm thiết yếu tại “ổ dịch vùng đỏ”.
Riêng đối với Tp. Thuận An, trường hợp cần thiết phải triển khai mạnh hơn thì yêu cầu người dân không ra khỏi nhà và “tạm dừng tất cả các hoạt động” trên địa bàn trong vòng 1-2 tuần.
Chỉ cho người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, cấp cứu, khám, chữa bệnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (bưu chính, phân phối lương thực, thực phẩm, dịch vụ cung ứng điện, nước, thông tin, viễn thông, cán bộ công chức… được ra đường).
Đồng thời, đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng nhiều lần để phát hiện các ổ dịch mới, tách F0 tại các ổ dịch và cộng đồng.
Tiến hành xét nghiệm 3 ngày/1 lần trên toàn Tp. Thuận An, thị xã Tân Uyên (xét nghiệm liên tiếp 3 lần liên tục, không dừng, không chậm trễ). Lực lượng lấy mẫu tại Tp. Thuận An dự kiến 400 tổ, 50 tổ dự phòng; thị xã Tân Uyên 385 tổ.
Mở rộng khu điều trị, tầng điều trị
Các chuyên gia, y, bác sĩ cho rằng, đối với tình huống có quá nhiều F0, phải cách ly tại nhà, giải pháp đề xuất là: Thành lập tổ phản ứng nhanh theo dõi điều trị F0 tại nhà, chuẩn bị vật tư hỗ trợ; lập danh sách F0 tại nhà có tiền sử bệnh lý để theo dõi điều trị, mạng lưới cộng tác viên quản lý cập nhật thông tin thường xuyên.
Thành lập đường dây nóng dành riêng cho F0; xây dựng tài liệu hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, gói thuốc miễn phí. Đảm bảo an ninh trật tự, cung ứng thực phẩm cho F0.
Địa phương cần rà soát bệnh nhân đủ điều kiện cho xuất viện, gom các khu cách ly dồn lại đưa về khu cách ly lớn, mở rộng khu điều trị tầng 2 dồn nhân lực tập trung chữa các ca bệnh nặng.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học y Dược Hà Nội lưu ý, các địa phương tập trung điều trị ngay từ đầu phải trang bị đầy đủ thuốc, oxy không để tình trạng bệnh nhân ở tầng 1 tử vong, nắm chắc công tác điều trị tại tầng 1, tầng 2.
Công tác điều trị, chuyển viện phải phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến.
Đối với Tp. Thuận An, hiện có 33 khu cách ly điều trị bệnh nhân tầng 1, yêu cầu địa phương rà soát bệnh nhân sau 7 ngày test kết quả âm tính cho về nhà theo dõi để gom lại còn 20 khu cách ly. Mở rộng điều trị tầng 2 thêm 96 giường.
Tp. Thuận An cần phối hợp chuyển bệnh nhân sang các địa phương khác khi các địa phương vùng xanh còn trống giường bệnh.
Các chuyên gia cũng đề nghị, thị xã Tân Uyên áp dụng mô hình điều trị như Tp. Thuận An để tập trung điều trị sớm cho bệnh nhân tại các khu cách ly, có kế hoạch cho ra viện sớm với bệnh nhân đủ điều kiện.
Tại thị xã Bến Cát phải tiêp tục mở rộng 20 giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2. Huyện Bàu Bàng có số lượng bệnh nhân không cao, cần thu gọn các khu cách ly đưa lực lượng y, bác sĩ vào bệnh viện dã chiến.
Sau nhiều giải pháp, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các địa phương quán triệt những giải pháp đề xuất của của các chuyên gia đoàn công tác hỗ trợ của bộ Y tế.
Tập trung làm công tác xét nghiệm đối với từng vùng đỏ, vùng xanh. Đối với công tác điều trị, các địa phương chủ động về oxy, thuốc điều trị.
Tập trung lực lượng xét nghiệm, bằng mọi cách để xác định F0, có giải pháp kịp thời giảm tỷ lệ tử vong. Yêu cầu 2 địa phương là thị xã Tân Uyên và Tp. Thuận An thực hiện biện pháp mạnh tay, triệt để khống chế dịch.