Bình Dương: Lo vỡ hồ Dầu Tiếng
Sáng 6/11, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ trực tiếp thị sát, kiểm tra tình hình ứng phó với cơn bão số 13 đang vào đất liền. Tính tới 12 giờ 30 phút cùng ngày, bầu trời tỉnh Bình Dương đã chuyển sang âm u, nhiều nhà dân chèn chống nhà cửa. Một số hàng quán dọc đường nghỉ bán sớm hơn thường ngày.
Trong sáng nay, UBND tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp khẩn nhằm đôn đốc thực hiện các phương án phòng chống bão. Theo yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương các Sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh phải triển khai các biện pháp tích cực chủ động phòng chống lụt, bão ở các địa bàn trước 13 giờ hôm nay 6/11.
Vừa qua dù không có bão nhưng mưa lớn kéo dài, triều cường dâng cao đã gây lụt ở vùng Bến Cát – Bình Dương
Theo Trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh Bình Dương, từ chiều ngày 6/11 trên địa bàn tỉnh có mưa, trong các ngày tiếp theo sẽ có mưa to và rất to kèm theo giông, sét cục bộ rất nguy hiểm. Nguy cơ xảy ra trận lụt lớn được UBND tỉnh Bình Dương đặc biệt lưu tâm vì thời điểm bão vào trùng lúc triều cường đạt đỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp phải bám sát lịch xả nước của các hồ chứa để chủ động ứng phó.
Một cán bộ cho biết cho hay phương án xấu nhất là bão vào, triều cường dân cao, mưa cực lớn kéo dài dẫn đến thảm họa hồ Dầu Tiếng (dung tích 7 triệu mét khối nước) vỡ cũng đã được tính tới và Bình Dương cũng đã có sẵn kịch bản ứng phó.
Đường đi và vị trí của cơn bão.
TP.HCM cho HS nghỉ học, cấm tàu tránh bão số 13
Do diễn biến phức tạp của cơn bão số 13, nghiêm cấm học sinh di chuyển bằng đường sông từ nay cho đến khi bão đi qua. Nghiêm cấm việc tổ chức tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại Cần Giờ. Học sinh được nghỉ học trong trường hợp không đảm bảo an toàn.
Đầu giờ chiều 6/11, nhiều trường mầm non, tiểu học ở các quận - huyện trên địa bàn thành phố như: 2, 7, 9, 10, 11, Nhà Bè, Thủ Đức, Cần Giờ… đã thông báo yêu cầu phụ huynh học sinh đến đón con em của mình về sớm nhằm đề phòng bão đổ bộ vào chiều tối nay.
Một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Q.10, Q.11, TP.HCM đã thông báo yêu cầu phụ huynh học sinh đến đón con em của mình về nhà trước 11g30 trưa nay, 6/11.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm yêu cầu UBND huyện Cần Giờ lên phương án di dời 2.000 người dân tại xã đảo Thạnh An đến nơi an toàn để tránh bão.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM ra công điện khẩn cấp về việc cấm đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến.
Công điện yêu cầu Sở GT-VT và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh nghiêm cấm xuất bến hoạt động kể từ 9h ngày 6/11 cho đến khi có lệnh mới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Từ gần sáng mai (07/11), vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m. Ngoài ra, hồi 10 giờ ngày 06/11, bão số 13 có vị trí ở vào khoảng 7,5 độ Vĩ Bắc; 138,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Dự báo bão sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 - 30km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 08/11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông. |
Theo Khám phá