Nhiều mong muốn
Những ngày qua, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương có số ca nhiễm Covid-19 lớn thứ hai cả nước với hơn 150.000 ca nhiễm.
Tỉnh này là khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Bộ, nên có hàng triệu người dân từ khắp nơi đổ về làm việc, an cư.
Tuy nhiên, từ tháng 7/2021 tỉnh Bình Dương xuất hiện một số ca nhiễm Covid-19 và sau đó nhanh chóng lan rộng. Tốc độ lây nhiễm của chủng virus này khiến 9/9 huyện, thị thành phố của tỉnh Bình Dương đều có ca nhiễm.
Các nhà máy, xí nghiệp tạm thời đóng cửa. Để ngăn chặn tình trạng lây lan của dịch bệnh, Bình Dương cho phong toả toàn bộ tỉnh, phân từng khu vực và đặt các chốt chặn. Đồng thời, thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hơn 2 tháng nay người dân đều ở trong nhà. Ai cũng mong mỏi việc giãn cách nới lỏng, tỉnh Bình Dương cho người dân về quê, có những nhà máy hoạt động lại để đi làm, ổn định cuộc sống.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Phạm Thị H., quê tỉnh Phú Yên, ngụ phường Bình Hoà, Tp.Thuận An cho biết: “Đã hơn 2 tháng nay tôi và chồng phải ở trong nhà. Vì cả hai là lao động tự do nên khi dịch đến là mất việc. Tuy nhiên, vẫn phải chi trả tiền trọ, tiền điện, tiền ăn, cầm cự không nổi, phải nhờ sự hỗ trợ của chính quyền.
Khu vực của chúng tôi đã bị phong toả vì có ca nhiễm. Tôi và chồng đã tiêm một mũi vắc-xin đủ 14 ngày rồi, giờ chỉ mong nới lỏng giãn cách để về quê”.
Cũng có cùng mong muốn, anh Nguyễn H.N, quê tỉnh Nghệ An, hiện tạm trú tại huyện Bàu Bàng cho biết: “Hơn 2 tháng nay em ở trọ tiêu hết số tiền dành dụm được. Vợ em đang ở quê mang bầu 7 tháng. Em từ Nghệ An vào đây xin việc chưa được 3 tháng thì gặp dịch không về được.
Em phải chạy nhiều nơi vay tiền cho vợ em ở quê sinh hoạt. Những ngày qua thấy huyện Bàu Bàng là vùng xanh được nới lỏng giãn cách nên em muốn chạy xe máy về quê, nhưng ra chốt thì mọi người nói vẫn chưa thể di chuyển, vì vẫn còn các chốt chặn liên huyện, liên tỉnh.
Giờ chỉ mong được về quê kịp lúc vợ em sinh con để gia đình đoàn tụ. Ở đây mệt mỏi, dịch bệnh kiệt quệ không có việc làm”.
“Em chỉ mong dịch hết sớm, được quay trở lại công ty làm việc. Em nằm ở nhà trọ hơn 2 tháng rồi. Dẫu biết hiện đang rất khó khăn, nhưng sau khi dịch ổn định, các nhà máy sẽ hoạt động lại, công ty vẫn cần người làm nên em chủ động đăng ký tiêm vắc-xin, chờ đi làm để có tiền trang trải cuộc sống”, chị Nguyễn Thị M.L, ngụ khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, TP.Dĩ An chia sẻ.
Hiện đang làm việc trong 1 công ty nằm trong cụm công nghiệp Bình Đường, anh Nguyễn Đức H., ngụ khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, Tp.Dĩ An cho biết: "Hiện tại, nơi tôi sống là điểm xanh, may mắn vẫn được hỗ trợ mua lương thực nhờ việc phường bán hàng bình ổn giá.
Sau hơn 2 tháng ở nhà, gia đình tôi mong dịch qua nhanh, sớm đi làm lại. Chúng tôi đã được tiêm vắc-xin rồi, đi làm dành dụm để sau này không còn những ngày tháng chật vật nữa. Về quê giờ này cũng không làm gì được".
Vẫn đang có kế hoạch đưa người dân về quê
Chiều 13/9, trao đổi Người Đưa Tin, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Hiện nay, sau nhiều nỗ lực, tỉnh Bình Dương đã khống chế được nhiều điểm dịch Covid-19. Đến thời điểm này, có 5/9 huyện thị đã là vùng xanh. Sắp tới đây, thị xã Bến Cát cũng sẽ đủ điều kiện để công bố vùng xanh.
Trong quá trình trên, tỉnh Bình Dương cũng đang từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa làm vừa đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch".
“Thời gian tới, những người dân, công nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh sẽ được lưu thông và đi làm lại. Công việc sẽ dần ổn định, cuộc sống của mọi người sẽ tốt hơn và trở lại trạng thái bình thường, nhưng vẫn phải đảm bảo công tác chống dịch”, ông Minh nói.
Về việc thực hiện công tác hỗ trợ an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin: “Trong thời gian tỉnh Bình Dương có dịch Covid-19, đảng bộ, chính quyền tỉnh kịp thời có những chỉ đạo trong công tác hỗ trợ người dân, những hoàn cảnh khó khăn sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch.
Hiện, các gói hỗ trợ đã được chuyển đến các địa phương và địa phương triển khai đến từng người”.
Về công tác hỗ trợ và đưa người dân ở Bình Dương về quê, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay: “Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã và đang phối hợp cùng các địa phương tỉnh bạn để đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người có nhu cầu về quê.
Ngoài ra, những địa phương thực hiện các chương trình đưa người tỉnh mình về quê thì tỉnh Bình Dương vẫn phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho tỉnh bạn đón người dân về”.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, đầu tháng 9/2021 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tạo điều kiện, tổ chức đưa những người dân đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 về quê.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay Sở này vẫn đang là đầu mối tổng hợp danh sách người có hoàn cảnh khó khăn muốn về quê, sau đó sẽ trình UBND tỉnh. Ngoài ra, việc về quê của người dân còn phụ thuộc vào các địa phương tỉnh bạn ở quá trình tiếp nhận.
Tính từ đợt dịch thứ tư, tỉnh Bình Dương ghi nhận 157.018 ca mắc Covid-19. Trong đó, 8.551 ca bệnh phát hiện tại cơ sở y tế, 24.657 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 87.163 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa và 36.566 ca trong cộng đồng. Lũy kế tại Bình Dương có 157.064 ca mắc Covid-19.
Số người đang cách ly tập trung là 38.973 người, trong đó có 610 F1, 12.646 trường hợp test nhanh chờ xét nghiệm khẳng định, 25.717 trường hợp F0 không triệu chứng. Số F1 đang cách ly tại nhà là 5.481 người và số F0 đang cách ly tại nhà là 4.198 bệnh nhân.
Tình hình thu dung điều trị, số bệnh nhân thu dung trong ngày 2.395 bệnh nhân, số bệnh nhân xuất viện trong ngày 4.912 người và số bệnh nhân đang điều trị 49.945 ca.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm được 1.653.541 liều vắc-xin (1.603.890 mũi 1; 48.991 mũi 2).
Được di chuyển liên huyện trong tỉnh Bình Dương
Vừa qua, sau khi xác định được 5/9 huyện, thị thành phố là vùng xanh, UBND tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương sau thời gian giãn cách xã hội.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới vào 15/9 và UBND tỉnh Bình Dương giao các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội.
Hiện các khu vực vùng đỏ, điểm đỏ tiếp tục được "khóa chặt" để xét nghiệm bóc tách nguồn lây F0 ra khỏi cộng đồng. Các địa phương từng bước cho phép các hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Việc nới lỏng giãn cách được thực hiện ở các vùng xanh từ 10 đến 15/9. Thời gian này, người dân đã tiêm vắc-xin sau 14 ngày được lưu thông trong phạm vi phường, xã, F0 khỏi bệnh cũng được lưu thông ở 4 huyện phía Bắc. Từ 16/9, cho lưu thông trong phạm vi liên huyện/thị/thành phố, sau 20/9, cho lưu thông trong phạm vi toàn tỉnh.
Hiện, có 5 địa phương công bố vùng xanh gồm: Tp.Thủ Dầu Một, huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên. Thị xã Bến Cát là địa bàn giáp ranh với 5 địa phương trên đang là vùng vàng, sắp tới đủ tiêu chuẩn là vùng xanh. Địa phương vùng đỏ là Tp.Thuận An mới công bố 4 phường gồm: Bình Nhâm, xã An Sơn, phường Hưng Định, phường Vĩnh Phú là điểm xanh.