Khu đất “vàng” hoang hoá
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, vào tháng 12/2008, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 4158/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Khu dân cư Thế kỷ 21 do Công ty TNHH Xây dựng-Đầu tư-Kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh làm chủ đầu tư.
Khu dự án có diện tích đến 24ha và nằm trong lòng 4 tuyến đường đắc địa của Thủ Dầu Một (Đại lộ Bình Dương - Thích Quảng Đức - Dương Võ Thanh Long - Yersin).
Việc một dự án nằm ngay trung tâm thành phố và được quy hoạch bài bản, khiến người dân xung quanh và những người có đất bị thu hồi trong khu vực vui mừng. Hy vọng rằng dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế, đời sống và là “bộ mặt” của cả một khu vực, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Thế nhưng, trong quá trình triển khai dang dở thì chủ đầu tư ngưng xây dựng, mảnh đất “vàng” rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Đến năm 2015, chủ đầu tư đề xuất UBND tỉnh Bình Dương thu hồi dự án.
Đến ngày 26/12/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3577/QĐ-UBND thu hồi dự án từ Công ty Tân Vũ Minh, đồng thời, giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, để chuyển sang thực hiện dự án Công viên Phú Cường (gồm khu nhà ở tái định cư và Công viên) trong giai đoạn 2017-2019.
Cơ quan chức năng cảnh báo tất cả các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai tại khu vực trên đều trái pháp luật. Tuy nhiên, dự án này lại tiếp tục chậm tiến độ.
Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân trong khu vực bị đảo lộn vì vướng vào quy hoạch dự án, nhà cửa hư hỏng không thể xây mới, muốn bán đi nơi khác cũng không xong. Bỏ hoang nhiều năm, khu đất rậm rạp cây cối, đường xá bất tiện.
Những kỳ vọng vào dự án, một khu vực khang trang bị “dập tắt” thay vào đó là những hy vọng của người dân chỉ mong muốn cơ quan chức năng sớm có phương án để người dân có thể làm nhà, hoặc sử dụng khu vực đất của mình, thoát khỏi tình trang quy hoạch treo.
“Ngày xưa tưởng có dự án, khu vực xung quanh được hưởng lợi, tiện ích hạ tầng. Nhưng nào ngờ đâu đã treo hơn 10 năm nay, giờ lại phải chờ nhà nước quy hoạch tiếp, nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa hay muốn bán cũng không được” ông Vũ Trí Dũng người dân trong khu dự án chia sẻ.
Còn bà Lê Thị Thiên Hương thì cho biết “Dự án quy hoạch "treo" gia đình bà có đất nằm trong phạm vi dự án, cũng được hoán đổi đất tái định cư nhưng đến nay hơn chục năm chẳng được xây nhà, phải đi ở trọ. Tôi chỉ mong chính quyền giải quyết nhanh hoặc cho cất nhà tạm để ở chứ ra ngoài ở trọ rất tốn kém”.
Lại tìm nhà đầu tư mới
Những tưởng rằng dự án này sau khi thu hồi sẽ được UBND tỉnh Bình Dương tổ chức triển khai bài bản, giúp cho diện mạo của Tp.Thủ Dầu Một và cuộc sống của người dân sẽ không còn “thấp thỏm”, không còn lo đến “nơi ăn chốn ở” thế nhưng mọi thứ bây giờ vẫn “nằm trên giấy”.
Trả lời về vấn đề trên trong buổi họp báo thông tin và tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương đầu tháng 8/2022, ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định về mặt pháp lý Công ty Tân Vũ Minh không còn liên quan đến dự án trên.
“Tuy nhiên do chủ đầu tư đã bỏ ra số vốn khá lớn để đền bù đất đai nên sau đó UBND tỉnh đã cho Công ty Tân Vũ Minh liên hệ với một nhà đầu nào đó đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để liên danh. Thế nhưng suốt thời gian dài điều này không thực hiện được”, ông Vinh cho hay.
Vị đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương còn cho biết, UBND đã thành lập Tổ 4038, rà soát lại tất cả những vấn đề liên quan và sau đó khẳng định dự án Thủ Dầu Một Thế Kỷ 21 không thể tiếp tục được. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng đã làm việc để có phương án hỗ trợ cho Công ty Tân Vũ Minh (liên quan đến số vốn đã đầu tư vào dự án - PV) nhưng chủ đầu tư này chưa đồng ý.
“Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang có phương án tổ chức điều chỉnh quy hoạch, sau đó sẽ tổ chức đấu thầu để tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch mới. Tp.Thủ Dầu Một đang rà soát, thực hiện các bước liên quan để đưa ra đấu thầu”, ông Vinh thông tin.
Như vậy, sau 15 năm, số phận của mảnh đất “vàng” này vẫn chưa được quyết định. Vẫn là việc đi tìm một chủ đầu tư mới để thực hiện dự án, và việc lập thủ tục, thay đổi phát triển một dự án sẽ mất thêm thời gian vì nhiều quy trình quy định. Nhất là một trong những dự án bị “treo” nhiều năm.
Người dân lại tiếp tục phải “chờ” cơ quan chức năng, chờ để được “thoát” khỏi dự án treo mà có nhiều người nói rằng đi gần hết cuộc đời xung quanh thì toàn cao ốc, nhưng ở giữa lại là một vùng đất “hoang hoá”.