Ngày 21/7, UBND tỉnh Bình Dương ban hàn Công văn số 3392 ngày 21/7 về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, các địa bàn có mức nguy cơ rất cao gồm: TP.Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên; các địa bàn có mức nguy cơ gồm: Huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát; địa bàn có mức bình thường mới gồm: Huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.
Trên cơ sở xác định mức nguy cơ của các địa bàn nêu trên, các huyện, thị, thành phố thực hiện cách ly 14 ngày và được xét nghiệm ít nhất 3 lần (vào các ngày 1, 7 và 14) theo quy định của bộ Y tế đối với những người đi từ địa bàn nguy cơ cao đến vùng nguy cơ thấp.
Trừ các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, an ninh, trật tự, vệ sinh đô thị và các trường hợp cần thiết khác các địa phương xem xét quyết định.
Đối với các khu vực dân cư đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc diện rộng thì chính quyền địa phương phải có biện pháp quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt không cho phép (người dân, phương tiện…) tự ý ra vào khu vực này.
Đây là động thái được chính quyền tỉnh Bình Dương đưa ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên tất cả các huyện, thị, thành phố của tỉnh.
Từ đợt dịch thứ 4 đến ngày 20/7 Bình Dương đã ghi nhận 3.725 ca mắc Covid-19, dự kiến trong thời thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, số lượng ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng.
Từ 0h ngày 19/7 toàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh trong tỉnh, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dự báo trong 2 tuần tới tỉnh Bình Dương sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên khoảng 10.000 người.
Tỉnh đã thành lập 600 đội lấy mẫu đảm bảo lấy mẫu nhanh, trả kết quả trong 24 giờ. Năng lực cách ly tập trung nâng lên 20.000 giường, có thể mở rộng lên 30.000 giường khi cần thiết. Về năng lực điều trị, có thể đáp ứng nếu tiếp tục nâng công suất tối đa giường bệnh.
Tuy nhiên, năng lực vật tư y tế, sinh phẩm hiện đang thiếu. Sở Y tế đã chủ động tập huấn, cung cấp test kháng nguyên nhanh cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh để tiến hành xét nghiệm cho bệnh nhân có triệu chứng hay có yếu tố dịch tễ nhằm sớm phát hiện các trường hợp F0 trong cộng đồng.
Đồng thời, phối hợp với ban Quản lý các khu công nghiệp hướng dẫn, tập huấn cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện test nhanh cho công nhân theo quy định của bộ Y tế.
Toàn tỉnh Bình Dương hiện tại có 12 máy RT-PCR, với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 80.000 mẫu gộp 10/ngày); đang thực hiện xã hội hóa xét nghiệm nâng cao năng lực lên trên 10.000 – 30.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 100.000 – 300.000 người nếu gộp mẫu).
Thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động (tương đương 600 bàn lấy mẫu, mỗi bàn lấy được 300 mẫu/ngày, tối đa 176.000 mẫu/ngày) và đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ Y tế, kể cả các cơ sở y tế tư nhân, các trường đào tạo y khoa, sinh viên từ các trường Y khoa do bộ Y tế chi viện để đảm bảo lấy mẫu nhanh có trọng tâm, trọng điểm để khoanh vùng dập dịch nhanh.