Những ngày gần đây, nhiều hộ dân sống tại khu vực khu phố Hoà Lân 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vẫn hoang mang lo lắng khi có một số rắn lục đuôi đỏ xuất hiện gần khu vực sinh sống.
Cụ thể, anh Nguyễn Công Tài (SN 1989), một hộ dân cho biết, vài ngày trở lại đây, hiện tượng rắn lục đuôi đỏ liên tiếp bò vào nhà khiến gia đình anh và những hộ lân cận vô cùng lo lắng.
Theo anh Tài, vào tối 6/12, khi đang đi ra phía sau nhà, anh phát hiện một vật lạ đang trườn trên mặt đất rồi nằm cuộn tròn trên chiếc sạp khu vực nhà bếp. Nhìn kỹ, anh phát hiện rắn lục xanh. Anh chưa kịp bắt thì con rắn bỏ chạy.
Tiếp sau đó, tối 7/12, chị Giáp Thị Hồng, vợ anh Tài đang nấu ăn thì phát hiện có rắn lục đuôi đỏ có kích thước lớn dài khoảng 1m đang khè lưỡi hướng về mình ngay khu vực nấu ăn. Hoảng sợ, chị gọi anh Tài đến ứng cứu. Anh Tài đã nhanh chóng dùng cây chặn đầu bắt sống con rắn.
Bà Mai Thị Phượng, Chủ tịch hội Phụ nữ phường Thuận Giao cho biết, gia đình bà sống trong khu vực đã hơn 40 năm qua. Thế nhưng, đây là lần đầu bà thấy hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và bò vào nhà. Rất may chưa có trường hợp nào bị rắn cắn.
Sau khi rắn xuất hiện, những người dân ở đây cũng đã trình báo cơ quan chức năng về sự việc để sớm có hướng giải quyết.
Báo Người Đưa Tin cũng đã ghi nhận lại nhiều clip hình ảnh của rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tại nhà dân ở tỉnh Bình Dương.
Rắn lục đuôi đỏ - loài rắn có vảy với tên khoa học là Trimeresurus albolabris. Chiều dài thân của rắn lục đuôi đỏ vào khoảng 60 - 81cm, rắn lục đuôi đỏ có phần đuôi đỏ ửng - rất dễ nhận biết, sống chủ yếu tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia, rắn lục đuôi đỏ sinh sống ở vùng thấp, thường lẩn trong các bụi tre, vườn nhà hay gần nơi con người sinh sống. Thị lực ban ngày của rắn lục đuôi đỏ rất kém nên chúng thường ra ngoài kiếm mồi vào ban đêm. Trong số các loài rắn lục, rắn lục đuôi đỏ là loài rắn độc. Khi cắn, chúng truyền chất độc với 20 thành phần khác nhau sang cơ thể nạn nhân. Chất độc này gây tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh hay thậm chí trụy tim. Đồng thời, theo các chuyên gia, khi rắn cái mang thai, nọc độc của chúng sẽ mạnh và tiết nhiều hơn bình thường. Người dân cần phòng tránh sự có mặt của rắn xung quanh khu vực bạn sinh sống. Nếu nhà có vườn cây, bãi cỏ xung quanh nhà cần đảm bảo chúng được cắt ngắn và sạch sẽ bởi rắn thường sống ở những khu vực nhiều cây cối rậm rạp, càng rậm càng dễ hút rắn. Loại bỏ sự hiện diện của chuột, con mồi ưa thích của rắn xung quanh nhà mình. Rắc bột lưu huỳnh xung quanh vườn nhà để xua đuổi một số loài vật vốn là thức ăn ưa thích của rắn như ếch nhái, sâu bọ... |