Văn phòng vừa thông tin, UBND tỉnh Bình Dương sẽ đưa ra Dự thảo quy định "Điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất ở Bình Dương".
Theo đó, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp: 300m2 tại các phường, 500m2 ở thị trấn và 1.000m2 ở các xã.
Đối với đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là lập chung các địa phương, diện tích tối thiểu được tách là 1.000m2 ở các phường, 2.000m2 tại thị trấn và 3.000m2 tại các xã.
Ở phương án 2, các địa phương còn nhiều đất nông nghiệp như các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo là 2.000m2 ở thị trấn và 3.000m2 ở các xã; các Tp.Dĩ An, Tp.Thuận An, Tp.Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên và Bến Cát diện tích tối thiểu được tách là 300m2 tại phường, 1.000m2 tại xã.
Ngoài ra, Dự thảo còn đưa ra nhiều quy định điều kiện được tách thửa, như: Đối với trường hợp tách thửa đất ở, tách thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp... thì tối thiểu phải đáp ứng đủ 2 điều kiện là tiếp giáp đường giao thông do Nhà nước quản lý và tuyến cấp điện đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện trên cơ sở căn cứ điều kiện thực tế hoặc kế hoạch đầu tư trung hạn để xem xét, giải quyết tách thửa.
Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách phải tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý, đảm bảo có bề rộng mặt tiền tối thiểu 4m đối với thửa đất khi tiếp giáp với đường có bề rộng chỉ giới đường đỏ <19m. Đảm bảo có bề rộng mặt tiền tối thiểu 5m đối với thửa đất khi tiếp giáp với đường có bề rộng chỉ giới đường đỏ ≥19m.
Tỉnh Bình Dương sẽ lấy ý kiến của người dân tại các địa phương về quy định tách thửa. Sau đó sẽ áp dụng, chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép, tạo “sốt” đất, phá vỡ quy hoạch của địa phương.
Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá rất nhanh, trong những năm gần đây, các khu công nghiệp ở tỉnh này mọc lên "như nấm" do vậy có rất nhiều dự án bất động sản được hình thành để phục vụ nhu cầu sinh sống, an cư lập nghiệp của người dân.
Trên địa bàn các huyện như Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng trong những năm qua có nhiều dự án nhà ở và xuất hiện tình trạng phân lô tách thửa của người dân.
Đơn cử, vào tháng 3/2022 vừa qua, tình trạng sốt đất ở huyện Dầu Tiếng xuất hiện. Từ 2h sáng, người dân lũ lượt kéo nhau đến văn phòng một cửa của huyện để nộp hồ sơ, chen lấn nhau.. chủ yếu người dân làm hồ sơ tách thửa đất, sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất...