Mở rộng con đường “tơ lụa”
Ngày 26/4, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Becamex IDC cùng cơ quan chức năng chính thức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ giáp ranh Tp.HCM đến Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với chiều dài hơn 12km quy mô từ 6 làn lên 8 làn xe.
Theo Becamex IDC, đơn vị này sẽ triển khai xây dựng Quốc lộ 13 từ cổng khu Công nghiệp VSIP 1, Tp.Thuận An đến đoạn giao cắt với đường Lê Hồng Phong, Tp.Thủ Dầu Một.
Quốc lộ 13 sẽ được mở rộng thêm 2 làn xe, từ 6 làn lên 8 làn, tổng diện tích nền đường rộng 40,5m, với số vốn đầu tư 1.367 tỷ đồng, tiếp tục được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc mở rộng Quốc lộ 13 sẽ có điểm nút giao với đường vành đai 3 Tp.HCM. Đây là một trong những tuyến đường được kết nối giao thông, kết nối các vùng với nhau mà Chính phủ và các tỉnh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Tp.HCM chú trọng.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đang được nghiên cứu xây dựng thêm cầu vượt ở các nút giao thông lớn, đông xe như: Nút giao đại lộ Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, nút giao thông Hòa Lân… và xây hầm chui tại ngã năm Phước Kiến (giao giữa Quốc lộ 13 và đường Huỳnh Văn Cù nối sang Củ Chi, Tp.HCM), hầm chui tại ngã tư Chợ Đình (giao giữa Quốc lộ 13 và đường Phú Lợi, Tp.Thủ Dầu Một).
Quốc lộ 13 nối từ Tp.HCM đi qua Bình Dương và tới Bình Phước. Tại Bình Dương, quốc lộ này còn có tên gọi là Đại Lộ Bình Dương, đi qua tỉnh này với chiều dài hơn 60km.
Là con đường quan trọng bậc nhất cho sự phát triển của Bình Dương và Bình Phước, đồng thời kết nối các tỉnh Tây Nguyên. Trục đường này kết nối các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp VSIP 1, sau đó tiếp tục mở rộng tới Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng... và hiện nay đã được nối liên thông qua Bình Phước, tới biên giới.
Đảm bảo vốn làm đường vành đai 3
Ngoài việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh này đã thông qua nghị quyết bố trí vốn cho tuyến đường vành đai 3, Tp.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin với Người Đưa Tin, tỉnh này đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho Bình Dương được chủ động đầu tư các đoạn còn lại của dự án đường cao tốc vành đai 3 Tp.HCM từ nguồn vốn hỗn hợp để tỉnh tập trung đầu tư hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh trong năm 2024 thay vì phải kéo dài thêm vài năm theo kế hoạch chung.
Cụ thể, ở dự án đường vành đai 3, đoạn qua Bình Dương dài hơn 26 km (trong đó tỉnh đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3 km, đoạn đường Mỹ Phước - Tân Vạn), hiện còn 10,7 km chưa đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỷ đồng, đã được Thủ tướng đồng ý phân bổ ngân sách trung ương và tỉnh theo tỉ lệ mỗi bên 50%.
Theo kế hoạch, việc phân bổ vốn nói trên trong giai đoạn 2022 - 2027 nhưng để đẩy nhanh dự án, tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương bố trí vốn trong 2 năm 2023 - 2024, phần vốn còn lại tỉnh sẽ quyết tâm bố trí để hoàn thành trong năm 2024 (sớm hơn 3 năm).
Dự kiến, công tác đền bù giải tỏa trong tháng 6/2022, ngay khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và các cơ chế đặc thù.
Theo đó, ước tính tổng mức đầu tư dành cho dự án đường vành đai 3 Tp.HCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 9.640 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 7.808 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 1.832 tỷ đồng.
HĐND tỉnh Bình Dương cũng giao UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương như Tp.Thuận An, Tp.Dĩ An, Tp.Thủ Dầu Một tuyên truyền, khảo sát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Quan tâm đảm bảo cuộc sống cho người dân sau tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan tâm các giải pháp phương án thu hút đầu tư dự án và khai thác quỹ đất dọc tuyến đường kết hợp chỉnh trang đô thị để thu hồi, hoàn trả phần vốn ngân sách tỉnh.
Đường vành đai 3 có tổng chiều dài 76,34km qua địa bàn Tp.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Long An. Để thúc đẩy tiến độ dự án có ý nghĩa kết nối vùng, dự kiến cả ngân sách Trung ương và các địa phương cùng chia sẻ chi phí làm đường. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến là 38.740 tỷ đồng, ngân sách địa phương dự kiến là 36.637 tỷ đồng (Tp.HCM 24.010 tỷ đồng, Bình Dương 9.640 tỷ đồng, Đồng Nai 1.934 tỷ đồng và Long An 1.052 tỷ đồng).