Ngày 3/6, thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cho biết, cơ quan đã tiếp nhận đơn của bà N.T.G. (trú thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản), đến trình báo về việc bị các đối tượng giới thiệu việc làm online tại nhà với nhiệm vụ tìm kiếm cổ phiếu, lừa mất hơn 1 tỷ đồng.
Chiêu trò lừa đảo núp bóng kinh doanh
Theo đơn trình báo của bà N.T.G., vào ngày 19/4, có tài khoản mạng xã hội Zalo tên “tranthixuandat” gửi lời mời kết bạn với bà G..
Sau một thời gian nhắn tin qua lại trò chuyện, đối tượng nói có việc làm online tại nhà, không mất phí dịch vụ, không cọc tiền, chỉ cần làm nhiệm vụ tìm kiếm cổ phiếu và chụp ảnh gửi sẽ nhận được 15.000 đồng/1 lần tìm kiếm (STEP1). Bà G. đã đồng ý tham gia.
Tiếp đó, người này hướng dẫn bà G. sử dụng tài khoản Telegram tìm kiếm kết bạn với người có thông tin “Kiểm sát viên - Thanh Thủy”.
Sau khi kết bạn được với người có thông tin “Kiểm sát viên - Thanh Thủy”, người này hướng dẫn bà G. thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cổ phiếu và chụp ảnh gửi lại sẽ nhận được tiền.
Trong ngày 19/4, bà G. bắt đầu thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn của các đối tượng. Bà G. đã chụp 10 mã cổ phiếu theo yêu cầu gửi đối tượng và nhận được 150.000 đồng.
Tiếp theo, đối tượng đã cho bà G. vào nhóm có tên là “LTC TRADING GROUP” trên ứng dụng Telegram và hướng dẫn bà làm hợp đồng Trading để được hưởng lợi nhuận từ 25%-50%.
Do muốn được hưởng lợi nhuận cao nên bà G. đã chuyển số tiền 18.979.000 đồng để thực hiện nhiệm vụ “Dữ liệu hợp đồng cổ phiếu số 1”. Sau đó, bà G. tiếp tục mua gói dữ liệu số 2 và nộp số tiền 36.376.000 đồng.
Tiếp đó, đối tượng hướng dẫn bà G. nộp số tiền 79.999.000 đồng thực hiện nhiệm vụ cuối, để kích hoạt mã rút tiền về tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện nhiệm vụ cuối, đối tượng thông báo cho bà G. là chọn sai tên gói dữ liệu nên không khớp lệnh được trên hệ thống và yêu cầu nạp số tiền 181.323.310 đồng để khớp lệnh sẽ được hoàn trả cả gốc lẫn lãi.
Tin lời bà G .đã thực hiện theo. Đối tượng tiếp tục yêu cầu bà G. nạp thêm số tiền 296.525.000 đồng để làm bù dữ liệu trên hệ thống và sẽ được trả cả gốc lẫn lãi là 923.000.000 đồng và bà G. đã làm theo yêu cầu.
Lúc này, bên “kiểm sát viên” lại thông báo cho biết là số tiền của bà G đã vượt quá 500.000.000 đồng yêu cầu đóng thuế 50%.
Bà G. tiếp tục chuyển 461.405.500 đồng tiền thuế. Tuy nhiên, bà G. vẫn không thể rút được tiền gốc và tiền lãi đã nạp vào hệ thống. Nghi ngờ bị lừa số tiền hơn 1 tỷ đồng, bà G. đã đến cơ quan công an trình báo.
Hiện, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cần nêu cao cảnh giác
Trong thời gian qua, nắm bắt được tâm lý của nhiều người muốn có công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, các nhóm đối tượng đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo thông qua việc tuyển cộng tác viên làm việc online với tỷ lệ hoa hồng cao.
Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường dùng là, cho các nạn nhân được hưởng mức hoa hồng cao. Thời gian đầu, với các đơn hàng giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ.
Sau đó, với những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền các nạn nhân ứng ra để nhận sản phẩm của các đơn hàng. Và, đã có không ít người đã “sập bẫy” các thủ đoạn này, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng.
Về vấn đề này, Bộ Công an tiếp tục phát đi cảnh báo cho người dân về phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng này.
Nội dung thông tin của Bộ Công an nêu rõ: “Hiện nay, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok...), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng.
Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả. Đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên, khi phát hiện trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết”.
Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, hoặc nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, người dân phải đến cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin nhằm xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Đoàn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đây là vấn đề đáng báo động trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.