Những vụ lừa đảo mà các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện thời gian qua đã được cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Phước và Công an các tỉnh, thành khác liên tiếp tuyên truyền, cảnh báo để người dân phòng tránh.
Tuy nhiên, vẫn tiếp tục xảy ra những vụ lừa đảo. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, nhận diện "bẫy trực tuyến" nguy hiểm đến nhường nào để đề phòng.
Liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo của tội phạm công nghệ cao
Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội pham sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước liên tiếp nhận đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm công nghệ cao.
Điển hình các thủ đoạn như: lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; lừa đảo đầu tư các sàn chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao; giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Văn phòng luật sư… gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện vay tiền;
Mạo danh nhân viên các tổ chức phi Chính phủ, Liên hiệp quốc… để kết bạn làm quen, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài tiền; lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VNeID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng chứa các bộ mã độc có chức năng theo dõi hoạt động của thiết bị, thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập và cho phép đối tượng truy cập trái phép vào thiết bị từ xa để chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, hiện nay các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng còn lập ra các website, trang mạng xã hội trên Facebook, Zalo…, thậm chí là các trang wed giả mạo các cơ quan tổ chức để tiếp cận những nạn nhân (bị chính các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao trước đó) với lời đề nghị sẽ lấy lại được tiền bị lừa đảo, song phải trả phí.
Đa phần các nạn nhân bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo, thường e ngại, không đến cơ quan công an trình báo, mang tâm lý nhanh chóng lấy lại tiền đã bị mất nên tìm cách lấy lại tiền thông qua các trang mạng, trang wed để ròi tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo lừa lần hai.
Giả danh cán bộ công an để lừa đảo
Vào khoảng 16h30’, ngày 13/6, chị L. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02477751098. Người gọi tự xưng là Trung úy Nguyễn Đình Sơn, công tác tại Công an tỉnh Bình Phước, thông báo chị L. có liên quan đến đường dây rửa tiền 20 tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương cầm đầu.
Bằng thủ đoạn đọc chính xác thông tin cá nhân, kèm những lời lẽ hù dọa bắt giam, đối tượng liên tục khẳng định chị L. phạm tội và sẽ phải đi tù khiến chị hoảng sợ, mất bình tĩnh.
Tiếp đó, đối tượng yêu cầu chị L. làm theo các bước hướng dẫn để kết nối Zalo xem các giấy tờ như thẻ ngành, thẻ kiểm sát viên của cán bộ điều tra và hồ sơ vụ án (đều là giả mạo) và gặp cán bộ “Viện Kiểm sát”, “Điều tra viên thuộc Bộ Công an” để nghe thông báo, về việc trước đây chị L. có bán một tài khoản ngân hàng cho đối tượng trong đường dây rửa tiền do Nguyễn Văn Dương cầm đầu.
Để phục vụ điều tra và chứng minh chị L. không có liên quan trong đường dây này, chị phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của “Cơ quan điều tra” do đối tượng cung cấp. Đồng thời, chị phải giữ kín thông tin, không để người thân hoặc người khác biết.
Thấy các đối tượng đưa ra những thông tin chính xác về mình (họ tên, năm sinh, nơi cư trú, số căn cước công dân) và sự dẫn dắt của các đối tượng nên chị L. tưởng thật và thực hiện chuyển tiền vào 2 số tài khoản: 80000044501, ngân hàng MSB (tên chủ tài khoản là LE THANH HUNG) và 1023697062, ngân hàng SHB (tên chủ tài khoản NGAN VAN HUNG) để “phục vụ điều tra”, chứng minh chị vô tội 2 lần với số tiền 29.340.000đ.
Sau khi chuyển tiền xong, chị L. bình tĩnh lại và nghi ngờ mình bị lừa nên đã gọi điện trình báo Công an tỉnh Bình Phước.
Sập bẫy vì việc nhẹ lương cao
Theo đơn trình báo, vào ngày 26/5, có tài khoản mạng xã hội Telegram có tên “Hằng HD Thúy” gửi kết bạn với bà T. và nhắn tin có việc làm online tại nhà, không mất phí dịch vụ, không cọc tiền, chỉ cần làm nhiệm vụ nghe nhạc trên ứng dụng Zing mp3, sau đó bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ rồi chụp gửi thì sẽ nhận được 35.000 đồng/1 điểm bình chọn. Bà T. đồng ý tham gia.
Sau đó, người này hướng dẫn bà T. tham gia vào một hội nhóm trên mạng xã hội Telegram và làm nhiệm vụ bỏ phiếu cho ca sĩ để đổi điểm trên 1 đường link (giả mạo ứng ụng Zingmp3) dẫn do đối tượng cung cấp và nhận được 100.000 đồng.
Tiếp đó, người này hướng dẫn bà T. sử dụng tài khoản Telegram kết bạn với “chuyên gia” có tên Nguyễn Duy Hải để được hướng dẫn làm nhiệm vụ bỏ phiếu với mức nộp 200.000 nghìn đồng sẽ nhận được 80.000 nghìn đồng/1 điểm bình chọn. Sau khi làm xong hết các nhiệm vụ, bà T. sẽ được chuyển khoản trả lại số tiền cọc đã nộp.
Vào ngày 12/6, bà T. được đối tượng thông báo tham gia vào “Nhóm bỏ phiếu Zingmp3” và hướng dẫn bà làm hợp đồng cam kết để được hưởng lợi nhuận từ 40%-50%. Sau đó, bà T. tham gia làm nhiệm vụ “Lượt bình chọn 1” và vào đường link (do đối tượng gửi trên nhóm) để bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ M.T..
Để có được 50 điểm bình chọn, bà T. phải nộp số tiền cọc tương ứng là 5 triệu đồng (số tiền này đối tượng nói sẽ trả lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ). Do muốn được hưởng lợi nhuận nhiều, nên bà T. đã liên tiếp tham gia các nhiệm vụ 2,3,4,5 và 6 với số tiền nộp ngày càng nhiều hơn và số điểm thưởng cũng cao dần lên 850 điểm tương ứng với tiền được hưởng là 127 triệu đồng.
Thời điểm này, bà T. đã bị cuốn theo, liên tiếp nhận được sự chỉ dẫn của các “chuyên gia” trong nhóm. Bà T. đã liên tiếp chuyển khoản 19 lần với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Đến khi bà T. muốn rút tiền gốc và lãi thì các đối tượng đã đưa ra nhiều lý do để thoái thác trả lại tiền đã nạp vào hệ thống. Lúc này, bà T. mới ý thức được sự việc và nghi ngờ mình đang bị tội phạm công nghệ cao lừa mất số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Ngày sau đó, bà T. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an thụ lý giải quyết.
Luôn đề cao ý thức cảnh giác
Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Minh Đăng, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho biết, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp…
Đặc biệt, trong thời gian qua, lợi dụng tình hình người dân sử dụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng công an, đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa cho người dân. Việc tuyên truyền không chỉ thực hiện theo các cách thức truyền thống, mà đã có sự đổi mới nhằm thực hiện tuyên truyền phù hợp hơn.
Theo đó, việc tuyên truyền được thực hiện theo 2 cấp. Thứ nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắn tin vào từng tài khoản thuê bao di động của các cá nhân để tuyên truyền, cảnh báo cách thức lừa đảo. Thứ hai là tuyên truyền bằng nhiều mô hình khác nhau.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho biết, để phòng ngừa loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thì công tác tuyên truyền vẫn rất quan trọng.
Mỗi người dân, kể cả cán bộ, đảng viên, cần phải biết rằng, không có chuyện các cơ quan tố tụng: công an, viện kiểm sát, tòa án hay các cơ quan thuế, hải quan... lại làm việc với người dân qua điện thoại, qua tin nhắn Zalo; không có chuyện người dân bị cán bộ công an dọa sẽ khởi tố tội này, tội kia mà chỉ nói qua điện thoại.
Đối với vấn đề tiền bạc, tài sản của người dân, cũng không có chuyện cơ quan này, cơ quan kia yêu cầu phải mở tài khoản để chuyển tiền vào, đưa tiền ra để kiểm tra. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn của các đối tượng tội phạm.