Nguyên nhân gây ra tai nạn
Thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Bình Phước trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Phước, đã triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.
Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước tăng cường xử lý nồng độ cồn trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, xử lý 36 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Xác định nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường bộ, phần lớn do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia.
Đây là lỗi vi phạm giao thông đường bộ mà nhiều người mắc phải hiện nay, là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó có các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Bình Phước xảy ra 184 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 113 người, bị thương 115 người, hư hỏng 100 ô tô, 209 mô tô, thiệt hại tài sản ước tính 3,5 tỷ đồng.
Trong 6 tháng qua, công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự ATGT được tăng cường. Qua đó, đã lập biên bản 36.260 trường hợp, tạm giữ phương tiện 13.504 trường hợp, tạm giữ giấy tờ 17.803 trường hợp.
Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 31.612 trường hợp, với tổng số tiền 92,9 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 8.128 trường hợp.
Công tác xử lý qua camera tiếp tục phát huy hiệu quả, qua đó người điều khiển phương tiện ý thức được nên hạn chế các vi phạm.
Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn
Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT trong những ngày nghỉ, ngoài việc phối hợp với các ngành đoàn thể tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền, giáo dục cá biệt, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh Bình Phước còn tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn theo quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành liên tục thay đổi phương thức, khép kín khung giờ tuần tra, lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm để không bỏ sót vi phạm.
Trong buổi tác nghiệp của phóng viên cùng Đội CSGT số 2 trên tuyến đường ĐT741 vào tối ngày 18/8, nhiều tài xế tuân thủ nghiêm việc không sử dụng rượu bia khi lái xe. Nhưng cũng có không ít lái xe cố tình "uống vài ly cho vui" hay "uống chút không sao đâu" rồi lại lưu thông ra đường.
Chỉ trong vòng 2 giờ từ 19h đến 21h, Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện xử lý 19 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Kết quả trong 2 ngày 17/8 và 18/8 của Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện, xử lý 36 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. So với các lỗi vi phạm như: chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm … thì vi phạm về nồng độ cồn là cao nhất, ước tính số tiền xử phạt là 220.000.000 đồng.
Thiếu tá Lê Quang Định, Phó Đội trưởng đội CSGT số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh Bình Phước cho biết: "Thời gian vừa qua, việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn được quán triệt theo tinh thần “không có ngoại lệ”, không có can thiệp, tác động để bỏ qua hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh còn phối hợp với các đơn vị có liên quan đã tập trung lực lượng và phương tiện để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trường hợp nào chây ì, chống đối, cản trở việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông thì lực lượng chức năng sẽ củng cố, xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, chúng tôi cũng nêu cao vai trò tuyên truyền giáo dục pháp luật để người dân tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Chúng tôi khuyến cáo người dân đặc biệt khi tập trung gia đình, bạn bè đã sử dụng rượu bia là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông".
Trung tá Thiều Đình Tiến, cán bộ Đội CSGT số 2 chia sẻ, quá trình lập biên bản đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn đôi khi khá khó khăn. "Có những lúc họ xin không được, dẫn đến bức xúc, không hợp tác…. Vì vậy, CSGT phải luôn bình tĩnh giải thích, tuyên truyền giúp người vi phạm hiểu rõ quy định cấm người điều khiển phương tiện sử dụng bia, rượu, chất kích thích khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông", Thiếu tá Tiến nói.