Chủ hái đi trước … trộm cướp theo sau
Người dân tại các xã Lộc Thạnh, Lộc Thành, Lộc Hưng, … (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) cho biết từ đầu mùa, nạn trộm điều đã bắt đầu manh nha. Đặc biệt, khi giá điều tươi vọt lên 43.000 – 45.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 47.000 đồng/kg, nạn trộm điều càng diễn ra phức tạp hơn.
Anh Nguyễn Văn Hải (ở tổ 1, ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) cho biết: “Năm nay, sản lượng điều thấp hơn nhiều so với năm trước nhưng lại được giá. Tuy nhiên, vừa mới vui được chốc lát, chúng tôi đã lại lo âu trước nạn trộm điều diễn ra rất táo tợn. Vườn điều của gia đình tôi cũng liên tiếp bị trộm “ghé thăm” hai lần. Chúng ngang nhiên lợi dụng lúc người dân không chú ý, về nhà ăn cơm trưa, … để đột nhập vào vườn, rung cây, nhặt trộm điều”.
Táo tợn hơn, ở các xã giáp vùng biên, nạn trộm điều càng phức tạp và xảy ra liên tục. Các đối tượng trộm không đột nhập vào vườn khi vắng chủ để hái trộm mà táo tợn rình rập, vác trộm khi chủ vườn đã đóng bao, tập kết điều trong vườn. Anh Nguyễn Văn Minh - Trưởng ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết: “Trộm điều xảy ra hàng năm. Thông thường, các đối tượng trộm này thường đột nhập vào các vườn điều có diện tích lớn để hái trộm”.
“Đặc biệt, năm nay, có hiện tượng trộm táo tợn vác trộm điều đã được người dân đóng bao, để trong vườn. Cụ thể, các đối tượng này nhắm vào những vườn điều có diện tích từ 2 - 4 ha trở lên để trộm cắp. Chúng rình rập, đợi cho chủ vườn hái xong, đóng bao, vận chuyển lên điểm tập kết, đợi xe đến chở về nhà rồi xuống cuối vườn hái tiếp mới ra tay. Nhiều hộ sau khi đóng bao xong, chuyển lên chỗ tập kết mới phát hiện đã bị trộm vác đi nhiều bao điều tươi”, anh Minh cho biết thêm.
Lập “thành lũy”, đoàn kết chống “điều tặc”
Để đối phó với nạn “điều tặc”, các hộ có vườn điều phải tuần tra canh gác buổi trưa và chiều tối (thời điểm không có người lượm điều trên vườn), đồng thời tăng cường tinh thần đoàn kết khi có trộm. Anh Vũ Văn Khoát (44 tuổi, ngụ xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh) cho biết, để chống nạn “điều tặc”, nhiều hộ gia đình đã không ngần ngại thực hiện nhiều “chiến lược” như chấp nhận tiền công cao để thu hái sớm.
Tuy nhiên, theo các cán bộ thuộc trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước, biện pháp nói trên cũng không đạt hiệu quả. Bởi, mùa điều năm nay đến muộn, không chín tập trung mà rải rác. Do đó, nếu thu hái đại trà chất lượng điều sẽ không đồng đều, đạt chuẩn.
Theo ghi nhận của PV, phương án ăn, ngủ tại vườn được cho là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc ngăn chặn nạn “điều tặc”. Nhiều hộ gia đình tại xã Lộc Thạnh đều chọn cách xây dựng lán, chòi ngủ lại trong vườn điều để canh giữ. Hơn thế, các hộ nông dân có vườn điều gần nhau còn hình thành tổ bảo vệ liên vườn, đề cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nếu có vườn phát hiện các đối tượng “điều tặc”.
Trực tiếp tham gia công tác chống “điều tặc” anh, Minh cho biết: “Tại ấp, chúng tôi cũng cố gắng thực hiện các buổi tuần tra, tổ tự quản. Tuy nhiên, do địa bàn quá rộng, diện tích các vườn điều lớn, lực lượng lại mỏng nên chủ yếu vẫn là tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự bảo vệ vườn”.
Kiên quyết chống “điều tặc” Ông Nguyễn Văn Hải - Phó chủ tịch xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết đã nắm các thông tin về nạn trộm điều. Chính quyền xã cũng đã tham mưu cho chính quyền cấp dưới trong việc đấu tranh chống nạn “điều tặc”, đẩy mạnh tuần tra, kêu gọi người dân chú ý tự bảo vệ tài sản. |
Hà Nguyễn