Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước cho biết, nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh khiến mực nước các ao, hồ chứa tiếp tục xuống thấp, một số hồ đã cạn kiệt. Nắng như đổ lửa suốt nhiều tháng, khiến nước nhiều khe suối, ao hồ ở Bình Phước cạn trơ đáy, nước ngầm tụt sâu. Đặc biệt,
hai huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng đang bị ảnh hưởng rất nặng, không còn nước khiến nhiều loại cây là nguồn thu nhập chính của người dân đang chết khô.
Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ngưng hoạt động.
Tại thời điểm ngày 20/4, mực nước các hồ chứa tiếp tục xuống thấp so với mực nước dâng bình thường, có 5 hồ giảm từ 2,2-2,6m. Đặc biệt, hồ Đa Bông Cua giảm 4,5m; hồ Bù Ka giảm 2,73m; hồ Bù Tam giảm 2,6m; hồ Đăk Toi và hồ Đăk Liên giảm 2,3m. Dung tích còn lại của các hồ chứa giảm 33,4% so với tổng dung tích (so với ngày 4/4 giảm thêm 5,1%). Cụ thể, dung tích hồ Đăk Liên còn lại 10%, hồ Đa Bông Cua còn 14%, hồ Đăk Tôn 22%, hồ Tà Thiết 26%, hồ Bù Ka 33%, hồ Suối Lai 34%, hồ Bù Tam 41%...
Mực nước các công trình thủy điện chính trên Sông Bé thấp hơn dưới mực nước dâng bình thường. Cụ thể: Công trình thủy điện Thác Mơ 6,11m; công trình thủy điện Srok Phu Miêng 1,13m; công trình thủy điện Cần Đơn 1,12m...
Tỉnh Bình Phước hiện có 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 25 công trình sử dụng nguồn nước mặt, 16 công trình sử dụng nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, đến nay, có 12 công trình không hoạt động. Đặc biệt, hồ Bù Rên tại xã biên giới Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) đã cạn kiệt nước khiến các hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Trước tình trạng hạn hán, tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền để người dân chủ động sử dụng nước tiết kiệm; huy động nhân dân nạo vét ao, hồ tích nước nhằm dự trữ nước phục vụ sinh hoạt; sử dụng vật dụng che âm, chống bay hơi mất nước cho cây trồng, khuyến cáo sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước hợp lý, tránh lãng phí…
Về giải pháp lâu dài, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi (hồ, đập) tại vùng thường xuyên bị thiếu nước, vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị kinh cao; sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nhằm khôi phục năng lực hoạt động theo thiết kế, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn hán của tỉnh.
Bình Phước đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn để từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn hằng năm.
Thiếu nước tưới cho cây trồng
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, nắng nóng kéo dài từ tháng 12/2023 đến nay đã khiến tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do nắng hạn lên đến khoảng 9.114 ha. Địa phương có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nhiều nhất là huyện Bù Gia Mập với 5.755,6ha, Bù Đăng 2.527ha, thị xã Bình Long 400ha.
Nắng nóng kéo dài không ít người dân buộc phải chứng kiến vườn cây chăm sóc bao năm đang chết dần, chết mòn vì không có nguồn nước tưới.
Chia sẻ với Người đưa tin, anh Hoàng Sơn Đông (thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) cho biết, gia đình anh có gần 4 ha sầu riêng đang thiếu nước, lá từ màu xanh đã ngả sang vàng, quả rụng đầy gốc, hiện cả gia đình đứng ngồi không yên khi phải chứng kiến cảnh vườn sầu bị của gia đình bị khô héo, rụng trái.
Trước đó, 2 giếng khoan của gia đình, mùa khô vẫn dư nguồn nước để tưới cây trồng. Năm nay nắng hạn kéo dài, nước giếng khoan khô cạn. Gia đình anh đã đầu tư hơn 30 triệu đồng cải tạo lại ao nhằm tìm nguồn nước nhưng không có kết quả.
"5 tháng qua, khu vực này chưa có mưa, gia đình quyết định phải cắt bỏ trái để giữ cây. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu nắng nóng kéo dài thì cây có thể chết khô. Chúng tôi đã hết cách, nguồn nước không có, mua nước về tưới thì không đủ điều kiện", anh Đông chia sẻ.
Cũng như huyện Bù Gia Mập thì tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng hàng trăm héc ta vườn cây của bà con nông dân đang trồng sầu riêng, cà phê, tiêu, bơ… đang cho quả cũng trong tình cảnh thiếu nước tưới trầm trọng khiến cây có dấu hiệu khô lá, rụng trái, thân cây đang chết dần.
Ông Nguyễn Văn Lim (thôn Sơn Thọ, xã Thọ Sơn) cho biết, gia đình ông có hơn 2 ha vườn cà phê đang cho trái. Nay, do thiếu nước, khiến toàn bộ vườn cây có dấu hiệu rụng trái, héo lá, khô cháy khiến gia đình ông đứng ngồi không yên. Cũng khoan thêm giếng, gắn điện năng lượng mặt trời tìm nước tưới tiêu, dẫu vậy ông Lim không chắc cứu được vườn cà phê cho gia đình vì giếng mới nhưng nước ngầm vẫn bị hụt, nước bơm lên rất hạn chế, không đủ tưới.
“Cà phê đang cho trái non, nhưng trái và lá cứ khô dần, vụ này xem như đã mất, giờ hi vọng cứu được cây cho những vụ sau. Tuy nhiên, nếu trời tiếp tục không mưa, còn nước ngầm tiếp tục hụt thì xem như qua năm nhổ gốc, đầu tư trồng lại cây con, chờ tiếp mấy năm mới có trái thu hoạch”, ông Lim chán nản nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Huyến, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho biết, địa phương không những thiếu nước tưới tiêu mà cả nguồn nước sinh hoạt giờ cũng rất hiếm.
“Địa bàn chúng tôi thiếu nước nhiều lắm. Sáng nay, xã đã đi thống kê, riêng thôn Sơn Tùng khoảng 80 hộ không có nước ăn, phải đi mua từng bồn một về ăn. Còn cây trồng thì trên địa bàn xã sầu riêng trái rụng hết, cà phê chết rất nhiều. Giờ bà con chỉ tận dụng một số rất ít nước còn lại ở khe suối và giếng khoan.
Ở những vườn trên dốc cao thì thực sự tìm nguồn nước rất khó. Nếu thời tiết không thuận lợi tiếp tục kéo dài thì nguy cơ hàng trăm héc ta cây trồng trong xã sẽ bị chết hoặc suy yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đặc biệt là vườn trên cao bị ảnh hưởng rất nặng, khô hết rồi, chết hết rồi”, ông Huyến nói.
Nắng nóng kéo dài khiến hạn hán đang diễn ra trên diện rộng tại Bình Phước. Tại huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng kinh tế người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây trồng. Tuy nhiên, với địa hình nhiều đồi dốc, vườn cây trên cao, nước ngầm ở sâu, vào mùa khô mực nước ngầm lại càng sâu và hiếm hơn. Do đó, hàng ngàn héc ta cây trồng tại hai địa phương đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi đợt hạn hán, người nông dân đứng trước vụ mùa mất trắng, thậm chí làm lại từ đầu.