Hiện nay, nông dân trồng hồ tiêu ở tỉnh Bình Phước đang vào cuối vụ thu hoạch hồ tiêu. Giá thu mua hồ tiêu hữu cơ hiện ở mức 105.000đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ khoảng 5 năm trở lại đây, đang mang lại niềm vui cho nhà nông trung thành với cây được mệnh danh là “vàng đen” một thời.
"Vàng đen" khởi sắc
Theo ghi nhận tại các hộ dân trồng tiêu ở huyện biên giới Bù Đốp, niên vụ năm 2023 giá trung bình chỉ giao động ở mức từ 65.000 – 67.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những ngày đầu xuân năm 2024, giá tiêu liên tục tăng cao. Đến giữa tháng 3, giá đã là trên 100.000 đồng/kg đang mang lại niềm vui cho nhà nông sau những năm giá thấp kỷ lục.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Võ Ngọc Quế (xã Hưng Phước) cho biết, tổ tiêu hữu cơ Ngọc Quế hiện đang duy trì diện tích 12ha. Các thành viên trong tổ, dù trong thời gian tiêu giá thấp dưới 100.000đồng/kg cũng “cầm cự” chăm sóc cây tiêu hữu cơ đúng theo tiêu chuẩn.
"Giá thu mua hiện nay đã trên 100.000đồng/kg đang mang lại nhiều niềm vui cho thành viên trong tổ trồng tiêu. Bản thân gia đình tôi trồng 4ha tiêu hữu cơ niên vụ 2024 đạt sản lượng khoảng 10 tấn. Năm nay giá tiêu lên cao nên bà con trồng tiêu rất mừng. Tuy nhiên, niên vụ năm nay do ảnh hưởng thời tiết cũng như chi phí đầu tư chăm sóc giảm nên sản lượng của các thành viên trong tổ tiêu hữu thấp hơn năm trước", ông Quế nói.
Giữa cái nắng gay gắt của vùng Đông Nam bộ, trong khu vườn tiêu rộng khoảng 2ha của gia đình bà Huỳnh Thị Kim Phượng ở xã Hưng Phước, đầy không khí vui tươi đang thu hoạch.
Theo bà Phượng, trong năm 2023 gia đình chỉ thu được hơn 2 tấn. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng mang lại đạt trên 4 tấn hạt.
Bà Phượng cho biết: vụ mùa năm ngoái thời tiết xấu đã ảnh hưởng trực tiếp trong kỳ ra hoa đậu trái. Còn năm nay, khi gia đình đầu tư chăm sóc nên vườn tiêu trổ bông đậu, trái nhiều và sản lượng đạt gấp đôi mùa vụ trước.
Ngoài ra, vườn tiêu gia đình bà Phượng được trồng theo hướng hữu cơ sạch nên cũng được Công ty Nedspice Việt Nam thu mua giá cao với 105.000 đồng/kg.
Với sản lượng năm nay tăng, cùng với giá tăng giúp gia đình bà Phượng có lãi và dành kinh phí tái đầu tư năm tiếp theo.
“Năm nay, vườn tiêu của gia đình tôi cho năng suất cao hơn năm trước nhiều. Bên cạnh đó, giá thu mua cao nhất từ nhiều năm qua nên gia đình rất mừng. Năm ngoái gia đình tôi bán với giá chỉ được 70.000đồng/kg thôi. Riêng năm nay giá bán hơn 100.000đồng/kg. Mùa tiêu năm nay những hộ còn diện tích nhiều cũng rất phấn khởi”, bà Phượng cho hay.
Không chỉ tổ tiêu hữu cơ của ông Võ Ngọc Quế, hộ gia đình bà Huỳnh Thị Kim Phượng mà còn nhiều hộ dân trên huyện biên giới Bù Đốp “chung thủy” với hồ tiêu trong thời điểm giá thấp, đến nay niềm vui đã trở lại với các hộ trồng tiêu.
Việc giá tiêu lên trên 100.000đồng/kg đã phần nào giúp người trồng tiêu có lãi và cơ hội tái đầu tư phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tiếp theo.
Cần sản xuất theo đúng kế hoạch và quy hoạch
Sau nhiều năm liền hồ tiêu mất giá, vụ mùa năm nay giá đang phục hồi trở lại là tín hiệu mừng cho người trồng tiêu. Việc giá cao sẽ kéo theo hiện tượng người dân tích cực trồng mới.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bác, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho rằng, giá tiêu thấp trong những năm qua khiến người dân trồng hồ tiêu bỏ bê, ít chăm sóc dẫn đến cây tiêu bị suy giảm và cho năng suất thấp. Khi thấy giá lên cao, tâm lý chung một số hộ sẽ đầu tư chăm sóc cây tiêu lại hoặc trồng mới. Tuy nhiên do tiêu già cỗi, ít được chăm sóc nên khả năng phục hồi phát triển rất kém.
“Nếu người dân canh tác lại cây hồ tiêu thì bản thân họ phải xác định là làm kinh tế nông nghiệp chứ không phải đơn thuần làm nông nghiệp. Trước tiên, người dân phải định hình được tình hình cung và cầu. Ngoài ra, người dân phải nhận định đủ tiềm lực về nguồn nhân lực, điều kiện thời tiết khí hậu phù hợp để thực hiện trồng mới hay không. Người dân không nên chạy theo số lượng mà phải theo chất lượng. Cần phải chăm sóc đúng quy trình để rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, đúng thời điểm, có nguồn thu theo kế hoạch và lợi nhuận cao”, Tiến sĩ Bác chia sẻ thêm.
Ông Bùi Quốc Hai, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu sạch bền vững Hưng Phước chia sẻ, diện tích canh tác của hợp tác xã trước đây là 150ha hồ tiêu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây giá tiêu thấp nên các thành viên hợp tác xã cũng ít chăm sóc vườn, dẫn đến cây chết, năng suất thấp. Nhiều dện tích tiêu chết do nhiễm bệnh, do thiếu đầu tư nên cây suy yếu dần.
Ông Bùi Quốc Hai cho biết, nhiều hộ dân thời gian qua, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì giá tiêu thấp. Họ không có điều kiện chăm sóc, nên vườn tiêu bị sâu bệnh và chết dần. Năm nay được giá, một số gia đình còn tiêu có dư chút ít nên sẽ tái đầu tư. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cũng đang lo lắng, với diện tích bị sâu bệnh và cây già nếu trồng lại thì rất mạo hiểm.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết, giá tiêu vượt mức trên 100.000đồng/kg đang mang lại niềm vui cho người dân. Một số hộ đã có ý định tái cơ cấu lại cây trồng được xem là “vàng đen” một thời.
Nhưng cũng khuyến cáo người dân cần sản xuất theo đúng kế hoạch và quy hoạch. Sản xuất phải phù hợp với thổ nhưỡng để trồng cây tiêu. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây tiêu để phát triển bền vững là đều cần thiết.
Đặc biệt, để nâng cao giá trị hạt tiêu, người dân cần phải sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn, không sử dụng các phân bón, thuốc ảnh hưởng tới môi trường, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học.
Cũng theo ông Trần Văn Thành, về khâu chế biến người dân cần bảo quản theo đúng quy trình, chế biến sâu để tạo ra sản phẩm chất lượng từ hạt.