Kinh tế tăng trưởng ổn định
Ngày 2/7, Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Bình Phước cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ổn định và phát triển hầu hết trên các lĩnh vực. Trong đó, GRDP tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ hai vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 18 cả nước.
Ông Trương Quang Phúc, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Bình Phước cho biết: Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước nói chung, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh Bình Phước với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã tạo chuyển biến tích cực, từng bước phục hồi và phát triển. Trong 6 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, 22 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết HĐND tỉnh Bình Phước đề ra năm 2024, đã có 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch (tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước hợp vệ sinh; số giường bệnh/vạn dân; số bác sĩ/vạn dân), các chỉ tiêu còn lại phấn đấu đến cuối năm đều có khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm của tỉnh Bình Phước ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ hai vùng Đông Nam Bộ (sau Tây Ninh) và đứng thứ 18 cả nước. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng gần 13,93%; dịch vụ tăng 6,36%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,76% và ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 3%.
Quy mô nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 51.689,89 tỷ đồng, tăng 6.031,41 tỷ đồng (+13,21%) so với năm 2023.
Về cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,79%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 42,12% (trong đó công nghiệp chiếm 37,41%) và khu vực dịch vụ chiếm 31,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,48% (tương ứng năm 2023 là 23,07%; 40,07%; 33,20 và 3,66%).
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 20,08% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,93% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt hơn 49,26% so với kế hoạch đề ra.
Khó khăn trong thu hút đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu 2024 theo giá hiện hành ước đạt 16.427,56 tỷ đồng, tăng 8,50% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực nhà nước ước đạt 1.771,76 tỷ đồng, tăng 10,07%; Vốn ngoài nhà nước ước tính đạt 9.913,07 tỷ đồng, giảm 0,25%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 4.634,51 tỷ đồng, tăng 62,12%.
Trong khi, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.771,76 tỷ đồng, bằng 32,18% kế hoạch vốn cả năm 2024, tăng 10,07% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong 6 tháng đầu năm là 5.355 tỷ đồng, đạt 44% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 42% dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, tổng chi đạt 7.893 tỷ đồng, đạt 56% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 47% dự toán HĐND tỉnh Bình Phước thông qua, tăng 11% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những thành quả đạt được, tỉnh Bình Phước cũng đang đứng trước nhiều khó khăn như: Thu hút vốn đầu tư đạt thấp, trong đó đầu tư trong nước đạt 10%, đầu tư nước ngoài FDI đạt hơn 20% kê hoạch; Thu tiền sử dụng đất đạt thấp 11% dự toán HĐND tỉnh giao; Giải ngân vốn đầu tư công thấp 28% kế hoạch, trong đó vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt gần 20%; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đạt 5% và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bên vững mới đạt hơn 13%.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Bình Phước đã đặt ra nhiều phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Trong đó, tập trung vào hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ điều chính Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh. Tiếp tục triển khai, bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch theo Chương trình hành động số…
Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống thất thu ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng quy định, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, các công trình trọng điểm.