Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới các kế hoạch, chỉ đạo của Bộ và Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông Bình Phước tăng cường tuyên truyền, xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Liên tiếp các trường hợp học sinh vi phạm giao thông
Trong những năm trở lại đây, công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ đối với thanh, thiếu niên, học sinh rất được chú trọng và diễn ra thường xuyên.
Tuy nhiên, hiện tượng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là xe máy chưa bảo đảm theo đúng quy định vẫn diễn biến phức tạp; số vụ tai nạn giao thông chưa có dấu hiệu thuyên giảm, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Ngày 9/4, PV Người Đưa Tin theo chân các chiến sĩ Đội CSGT số 2 và Trạm CSGT Đồng Phú, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước lập chốt kiểm tra, xử lý tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ, gần khu vực Trường THPT Đồng Xoài (phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài) và Trường THPT Nguyễn Du (phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài)
Tại Trường THPT Nguyễn Du, chỉ sau ít phút sau giờ tan học, Đội CSGT số 2 đã ra hiệu lệnh 7 xe trên 50 cm3 (hay 50cc) do học sinh cầm lái. Nhiều học sinh khác khi phát hiện lực lượng CSGT đã nhanh chóng quay đầu xe để né tránh lực lượng kiểm tra.
Qua kiểm tra, các học sinh đều chưa đủ tuổi, không có giấy tờ xe, GPLX và nhận thức được việc mình làm là sai. Tuy nhiên, việc chạy xe trên 50 cm3 đến trường đều được cha mẹ cho phép.
Bị lực lượng CSGT dừng xe, nữ sinh N. (học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Du) nói: "Em biết việc chưa đủ tuổi, chạy xe phân khối lớn là sai nhưng do nhà ở xa, ba mẹ giao phương tiện nên em vẫn chạy xe đi học". Ðội Cảnh sát giao thông số 2 đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính với em N. bao gồm các lỗi: Không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện có dung tích xi-lanh trên 50 cm3.
Thậm chí còn có học sinh mới học lớp 7 nhưng cũng được bố mẹ giao xe cho đi đón em. Đó là trường hợp em N.Q.H. (SN 2011, học sinh lớp 7/6 Trường trung học sơ sở Tân Phú, phường Tân Phú) điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 50 cm3.
Tại Trường THPT Đồng Xoài (phường Tân Bình), Trạm CSGT Đồng Phú tiến hành kiểm tra xử lý gần cổng trường.
Chỉ trong vòng 30 phút, lực lượng CSGT đã xử lý 11 trường hợp học sinh đi xe mô tô có dung tích xi lanh trên 50cm3. Trạm CSGT Đồng Phú đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi: Không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện có dung tích xi-lanh trên 50 cm3.
Sau khi ghi nhận, xử lý một số trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Trạm CSGT Đồng Phú trực tiếp gặp ban giám hiệu nhà trường để thông tin, tuyên truyền một số nội dung liên quan công tác bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh. CSGT đồng thời đề nghị nhà trường có các biện pháp để quản lý, giáo dục học sinh.
Anh Bùi Minh Sang (phường Tân Bình) cho biết: “Nhiều học sinh tự chạy xe máy, xe máy điện và cả xe trên 50 cm3 đến trường nhưng không tuân thủ pháp luật giao thông. Không ít em còn lạng lách, nô đùa trên đường và không giữ khoảng cách an toàn với các xe xung quanh, rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Hậu quả sẽ khôn lường”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số trường trên địa bàn Bình Phước không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh vào giờ đến trường hay tan học tự điều khiển xe máy.
Nhiều em trong số đó không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nhiều lỗi về an toàn giao thông.
Khảo sát tại Trường trung học phổ thông Đồng Xoài và Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, nhiều học sinh đi xe máy có dung tích xi-lanh trên 50 cm3 nhưng không gửi xe tại trường mà chọn bãi trông giữ xe gần cổng trường.
Tại đây, hàng chục chiếc xe được gửi đều là xe có dung tích xi-lanh trên 50cc mà học sinh chưa đủ tuổi điều khiển theo quy định như: SH, Jupiter, Lead, Vision...
Theo thống kê từ Bộ Công an cho thấy, trong 10 tháng của năm 2023, trên toàn quốc có 737 vụ TNGT do học sinh, thiếu niên đi bộ hoặc lái xe gây ra, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Về phương tiện điều khiển liên quan đến các vụ TNGT, chủ yếu vẫn là xe máy có dung tích xi lanh từ 50-175cc (71,31%) và xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc (15,93%).
Có thể xử lý hình sự đối với phụ huynh khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng
Trung tá Nguyễn Tấn Vạn, Trạm trưởng Trạm CSGT Đồng Phú, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước cho biết, việc lái xe khi chưa đủ tuổi, điều kiện tham gia giao thông tiềm ẩn tai nạn giao thông khá cao vì học sinh còn nhỏ tuổi, chưa có kinh nghiệm để xử lý khi gặp tình huống bất ngờ. Các em tuổi mới lớn nên hay phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát…
Ngoài ra, khung giờ các em đi học cũng là lúc công nhân đến nhà máy, xí nghiệp rất đông nên tiềm ẩn tai nạn giao thông xảy ra rất cao. "Giao xe cho con chưa đủ điều kiện nếu lỡ xảy ra tai nạn giao thông, nhẹ thì bị xử lý hành chính và phụ huynh cũng bị phạt vì hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông. Nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì phụ huynh phải chịu trách nhiệm hình sự", Trung tá Vạn nói.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Phước cho biết: Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, mỗi bậc cha mẹ, gia đình cần nhận thức việc giao xe mô-tô, xe gắn máy cho con điều khiển khi chưa đủ độ tuổi theo quy định là vi phạm pháp luật.
Vì vậy, trước khi giao xe, cha mẹ cần hướng dẫn con em mình tìm hiểu kỹ về Luật Giao thông đường bộ, các quy định về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, cách điều khiển phương tiện và xử lý các tình huống phát sinh để bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác.
Trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đưa nội dung chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua.
Trung tá Huỳnh Tấn Quốc, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng CSGT - Công an tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng xe mô-tô có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên đến trường.
Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các điểm trông, giữ xe xung quanh trường học ký cam kết, không tiếp tay, trông, giữ xe cho những học sinh điều khiển xe không đúng quy định.
Ngoài ra, phối hợp với ban giám hiệu nhà trường, công an các phường, xã trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cho học sinh ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Luật sư Nguyễn Minh Đăng, Đoàn Luật sư Bình Phước cho biết, Ðiều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự, nhưng phải có giấy phép lái xe phù hợp với từng chủng loại. Người sử dụng xe gắn máy không phù hợp với dung tích xi-lanh theo quy định và không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng… thì tùy theo lỗi vi phạm có thể xem xét xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện…
Việc người lớn giao xe cho người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển, tùy theo mức độ hành vi, hậu quả xảy ra, người giao xe ngoài việc có thể phải bồi thường dân sự, còn bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, Điều 30 và điểm h, khoản 8, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đối với ô tô thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, cha, mẹ mà giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, gây thiệt hại về tài sản… thì có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến cao nhất 7 năm tù.
Ngoài ra, việc cha, mẹ tự nguyện hoặc bỏ mặc con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, ô tô để tham gia giao thông rồi gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo luật hình sự.
Thực tế, bố mẹ có thể sử dụng biện pháp khác để ngăn cấm, không cho con chưa đủ điều kiện sử dụng xe máy, ô tô để tham gia giao thông như khóa xe lại, cất chìa khóa…
Để tránh những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, hạn chế các vụ việc học sinh, người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện gây tai nạn, theo Luật sư Đăng, các cơ sở giáo dục, trường học cần phối hợp với cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các trường học cũng cần phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn với xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp.
Dưới đây là một số hình ảnh vi phạm: