Hạn chế tai nạn lao động
Tỉnh Bình Phước là địa phương có số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều lớn nhất cả nước với hơn 500 doanh nghiệp, cơ sở theo các quy mô khác nhau.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã thực hiện việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đối với ngành chế biến hạt điều; các doanh nghiệp, cơ sở đã có sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn tỉnh Bình Phước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động, cháy, nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến.
Qua báo cáo ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy tại doanh nghiệp, cơ sở còn có những hạn chế nhất định.
Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố chủ quan như: nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về công tác đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, còn chủ quan, lơ là; công tác tự kiểm tra, duy trì các yêu cầu, điều kiện về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ của chủ doanh nghiệp, cơ sở chưa dược quan tâm đúng mức; chưa phát huy tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng cháy, chữa cháy...
Vậy, tỉnh Bình Phước cần làm gì để nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn trong lao động, sản xuất, phòng cháy, chữa cháy cho chủ doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ xảy ra cũng như thiệt hại do tai nạn, cháy, nổ tại các doanh nghiệp?
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, mất an toàn lao động trong đời sống công nhân đang dẫn đến nhiều hệ lụy.
Chúng ta cần phải có giải pháp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động, đưa văn hóa an toàn vào doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần tăng cường tần suất thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Đồng thời, cũng để hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Theo bà Mai Hương, cần tăng mức bồi thường của người sử dụng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, nếu tai nạn lao động xảy ra nguyên nhân có lỗi của người sử dụng lao động không tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Sửa đổi, nâng cao mức chế tài (mức phạt) đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp và người lao động nhằm xử lý, răng đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Với nỗ lực hạn chế tai nạn lao động, phòng chống cháy nổ xảy ra ở các cơ sở sản xuất trên địa bàn, ngày 14/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước bà Trần Tuệ Hiền đã có Công văn số 3296/UBND-NC yêu cầu Công an tỉnh chủ trì tổ chức Hội nghị hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn lao động, sản xuất, phòng cháy, chữa cháy; trực tiếp hướng dẫn, tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Sở Công Thương chuẩn bị nội dung, tài liệu, phân công báo cáo viên hướng dẫn, tuyên truyền về kiến thức an toàn trong quá trình sản xuất, an toàn điện. Sở Lao động ⁃ Thương binh và Xã hội chuẩn bị nội dung, tài liệu, phân công báo cáo viên hướng dẫn, tuyên truyền về kiến thức an toàn thuộc lĩnh vực an toàn lao động.
Hiệp hội ngành điều Bình Phước mời các hội viên, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh điều phối hợp Công an tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị; đồng thời, có trách nhiệm vận động các cơ sở, doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội điều thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn cháy, nổ và an toàn lao động.
Nâng cao kiến thức an toàn lao động
Nhằm nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn trong lao động, sản xuất, phòng cháy, chữa cháy cho chủ doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Phước; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ xảy ra cũng như thiệt hại do tai nạn, cháy, nổ gây ra tại các doanh nghiệp, cơ sở, ngày 20-21/8, Hội Điều Bình Phước đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến ngành hạt điều. Hội nghị thu hút hơn 150 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước tham gia.
Video: Hội Điều Bình Phước tổ chức tập huấn cho 150 doanh nghiệp sản xuất, chế biến ngành hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước về an toàn vệ sinh lao động đối với vận hành lò hơi, xe nâng và khí nén tại Công ty Song Hỷ.
Anh Nguyễn Công Long nhân viên bảo trì lò hơi Công ty Long Sơn chi nhánh Bình Phước cho biết: "Trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động liên quan đến quá trình vận hành lò hơi, đa phần là do chưa nắm được quy trình trong công tác vận hành lò hơi. Vì vậy tôi được công ty cho đi tập huấn, để được cấp chứng chỉ vận hành lò hơi do Hội điều Bình Phước tổ chức.
Qua buổi tập huấn, tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm như là về kỹ năng vận hành, thao tác rồi xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra, an toàn cho bản thân và giảm tổn thất cho công ty".
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vũ Thái Sơn Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn nhiều nhà máy sản xuất điều chưa nắm được quy định, công nhân vận hành các thiết bị như: lò hơi, máy nén khí, xe nâng…
Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, khi xảy ra tại nạn lao động thì chủ doanh nghiệp sẽ bị quy kết trách nhiệm pháp lý.
Thông qua lý thuyết và thực hành thực tế nhằm giúp các hội viên, doanh nghiệp ngành điều nhanh chóng đáp ứng yêu cầu về đào tạo cho công nhân vận hành các thiết bị lò hơi, máy nén khí, xe nâng…
Ông Nguyễn Trung Kiên, giảng viên Công ty cổ phần huấn luyện và kiểm định an toàn TP cho biết, theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Lao động huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định: Người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động phải tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ, chứng nhận do tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động thực hiện.
Người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động, người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động; hướng dẫn quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người đến thăm quan, làm việc tại cơ sở thuộc phạm vi quản lý của người sử dụng lao động.
Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, kiểm tra sát hạch và được cấp chứng chỉ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; xây dựng chương trình khung công tác huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động; danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Nghị định 44/2016/NĐ – CP ban hành 15/05/2016 của Chính Phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.