Ra quyết định xử phạt hành vi khai thác đất trái phép
Vừa qua, Người Đưa Tin có đăng tải bài viết: "Bình Phước: Không bao che, cương quyết xử lý hành vi khai thác đất trái phép tại huyện Đồng Phú" và "Bình Phước xử lý tình trạng khai thác đất trái phép tràn lan", phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép tại tỉnh Bình Phước.
Điểm khai thác đất trái phép tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú hoạt động trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương chưa vào cuộc xử lý dứt điểm… khiến người dân bức xúc.
Ngay sau khi bài viết đăng tải, lãnh đạo huyện Đồng Phú đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường và UBND xã Thuận Lợi xác minh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Sau khi kiểm tra, UBND xã Thuận Lợi xác định chủ đất là ông Trịnh Quốc Tâm. Người đứng ra khai thác đất là ông Nguyễn Ngọc Tuấn (ngụ thôn Phú Hưng, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước).
Số lượng đất đã bị khai thác trái phép khoảng 18m3. Cơ quan chức năng cũng xác định, giữa ông Tâm và ông Tuấn có thỏa thuận trước lúc tiến hành khai thác.
Trên cơ sở đó, ngày 20/8, UBND xã Thuận Lợi ra Quyết định số 146/QĐ-XPVPHC Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn với số tiền 5.080.000đ về hành vi khai thác đất trái phép và tiền truy thu số lượng khoáng sản (18m3) đã thất thoát.
Theo đó, tổng số tiền nộp phạt của ông Nguyễn Ngọc Tuấn là 5.080.000 (năm triệu không trăm tám mươi nghìn đồng). Người vi phạm đã nộp phạt vào ngày 20/8.
Ông Lê Đình Tám, Chủ tịch UBND Thuận Lợi đã ghi nhận thông tin kịp thời từ Người Đưa Tin, qua đó giúp xã có thông tin để chỉ đạo xử lý.
Chủ tịch UBND xã Thuận Lợi cho biết trên địa bàn xã đây là trường hợp thứ 2 bị xử lý, lãnh đạo UBND xã mong muốn, nếu những vụ việc tương tự xảy ra, người dân, báo chí phát hiện thì tiếp tục phản ánh để địa phương kịp thời vào cuộc.
Theo ông Tám, nếu mức độ vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương thì địa phương sẽ xử lý. Nếu ngoài thẩm quyền thì địa phương sẽ báo cáo lên các cấp cao hơn để có chỉ đạo, giải quyết.
Hành vi khai thác khoáng sản sẽ bị xử lý nghiêm
Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo huyện Đồng Phú cho biết, công tác quản lý đất đai, khoáng sản thời gian qua luôn được Huyện ủy, UBND huyện Đồng Phú quan tâm.
Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/HU ngày 24/8/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn huyện; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 17/2/2023 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và phát triển công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện.
UBND huyện Đồng Phú cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và có các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đặc biệt là UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân không khai thác khoáng sản trái phép; tích cực tham gia giám sát, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, theo thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, UBND huyện Đồng Phú mới chỉ xử phạt một trường hợp khai thác khoáng sản đất san lấp trái phép, với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 165 triệu đồng.
Các trường hợp còn lại, UBND xã, thị trấn thực hiện kiểm tra, giải tỏa, ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Ở góc độ pháp lý, luật gia Đinh Đắc Lộc, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước, Văn phòng Luật Tp.HCM cho biết: Theo Luật Khoáng sản 2010 thì đất, sỏi, sạn... đều được tích tụ tự nhiên, phân bố ở tầng phong hóa vỏ trái đất là khoáng sản.
Vậy nên, việc khai thác đất để sử dụng san lấp công trình là hoạt động khai thác khoáng sản, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đó là khai thác khoáng sản trái phép.
Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử lý theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
“Ngoài xử phạt hành chính, tùy tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, trong đó buộc thực hiện các giải pháp phục, quy định tại Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP”, luật gia Lộc cho biết.
Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá. Để siết chặt công tác quản lý, đảm bảo khai thác theo đúng quy hoạch, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành. Đặc biệt, người dân cần nhận thức rõ hơn về hậu quả, hệ lụy của hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Mọi hành vi khai thác tài nguyên trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước đó, chiều 18/8, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, một số người dân xã Thuận Lợi (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết, vô cùng bức xúc khi tình trạng khai thác đất trái phép tại địa bàn diễn ra một cách rầm rộ, làm biến dạng hàng chục hecta đất rẫy, gây ô nhiễm môi trường.
Theo ghi nhận của PV, mỏ đất này nằm ngay gần khu dân cư thuộc tổ 3, ấp Thuận Thành 2, xã Thuận Lợi và xung quanh là vườn cao su, vườn điều.
Trên diện tích rẫy gần 1ha, chiếc máy xúc cỡ lớn đang hoạt động hết công suất. Một hàng dài xe ben tải loại 4 giò đang xếp hàng vào chờ "ăn đất". Khu vực khai thác ngổn ngang đất đá, có vị trí đào sâu xuống hơn 5 mét tạo nên nhiều hố sâu.
Những đoàn xe vận chuyển đất chạy liên tục mỗi ngày còn gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là làm hư hỏng đường bê tông chỉ có 3m.
Từng chiếc xe tải mang BKS tỉnh Bình Phước 93C-120.68, 93C-127.91, 93H-009.85… lần lượt được máy xúc múc đất đổ đầy thùng.
Phát hiện có người lạ, 2 tài xế xe ben dừng lại ngay đầu đường để trao đổi, sau đó nhanh chóng rời đi.