Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 2.855 con đường, tổng chiều dài 9.102km, trong đó có 3 tuyến quốc lộ (14, 14C và 13), tổng chiều dài gần 240km. Toàn tỉnh hiện quản lý gần 967.000 hồ sơ xe (trong đó có hơn 910.000 xe mô tô, hơn 56.000 xe ô tô).
Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Phước đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, chấm dứt tình trạng cả nể, thực hiện nghiêm túc theo phương châm 'Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần đảm bảo ổn định tình hình TTATGT, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế và giảm hằng năm.
Từ năm 2009 đến hết năm 2023, qua tuần tra, kiểm soát, Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện hơn 1,16 triệu lượt vi phạm về TTATGT. Phạt tiền các trường hợp vi phạm hơn 668 tỷ đồng. Trong đó, có 58.164 lượt vi phạm là người lái xe sử dụng rượu, bia.
Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh Bình Phước xảy ra 3.487 vụ TNGT làm chết 2.351 người, bị thương 2.940 người. Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT phần lớn là đi không đúng làn đường (1.288 vụ); vượt sai quy định (529 vụ); chuyển hướng không đúng quy định (554 vụ); người điều khiển xe say rượu bia (202 vụ, chiếm gần 5,8% tổng số vụ)…
Theo Công an tỉnh Bình Phước, số phương tiện giao thông đang tiếp tục tăng nhanh, nhất là lượng xe ô tô cá nhân. Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, còn nhiều bất cập về tổ chức giao thông như: chưa có hành lang ATGT trên đường ĐT.741; các dải phân cách cứng trên quốc lộ 14 chưa đầy đủ; chưa có cảnh báo chú ý hoặc hạn chế tốc độ tại các đường nhánh ra đường chính…
Thượng tá Phan Văn Tấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước cho rằng công tác đảm bảo TTATGT, trách nhiệm chính là của lực lượng công an.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng rất cần có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận tổ quốc, nhằm thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông. Đáng lưu ý là tình trạng học sinh lái xe máy khi chưa đủ điều kiện, rất cần sự vào cuộc của ngành GD-ĐT.
Thượng tá Phan Văn Tấn cho biết thêm, cơ quan chức năng đề nghị người tham gia giao thông đều phải thực hiện văn hóa giao thông bằng những việc làm cụ thể như: chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT, đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ, dừng, đỗ xe; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không đi ngược chiều. không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông…. ATGT là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội.
Vì vậy, mỗi người cần chấp hành nghiêm luật giao thông để trở thành người tham gia giao thông có văn hóa. Khi văn hóa giao thông của mỗi người được nâng lên, những hành vi sai trái sẽ bị cộng đồng lên án.
Từ đó, văn hóa giao thông của cộng đồng sẽ được nâng lên, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng hình ảnh đẹp của người tham gia giao thông trên mọi tuyến đường.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Do vậy, xây dựng văn hóa giao thông hay nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người, chính là bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như: đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; đi bộ dưới lòng đường; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông…
Với tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình", hơn lúc nào hết mỗi người dân cần tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông để đem lại hạnh phúc cho chính mình, cũng như cho cộng đồng.
Tuy bắt đầu từ những điều đơn giản, thiết thực với mỗi người, nhưng làm sao để mọi người đều có ý thức thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông lại không đơn giản.
Chỉ khi nào tất cả mọi người nâng cao ý thức và trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định và luật lệ giao thông, thì tai nạn mới không xảy ra.