Kiểm tra 820 vụ, phát hiện xử lý 631 vụ, thu nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng
Ngày 24/7, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Bình Phước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đã tổ chức thực hiện kiểm tra 820 vụ, phát hiện xử lý vi phạm hành chính 631 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 130 triệu, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 350 triệu đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đã đăng trên website của Cục 40 bản tin về lĩnh vực liên quan đến công tác quản lý thị trường. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp, ký cam kết đối với 1.122 cơ sở về nội dung không buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chấp hành các quy định về nhãn hàng hóa, hóa đơn, chứng từ, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và các quy định về điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh, tham gia phối hợp với các Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, địa phương kiểm tra về an toàn thực phẩm; về y tế; phòng chống dịch bệnh động vật. Trong 6 tháng, đơn vị đã phối hợp 17 đoàn, kiểm tra 523 cơ sở, phát hiện xử lý vi phạm 24 cơ sở, phạt tiền trên 75 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước.
Ban hành 69 văn bản chỉ đạo về công tác quản lý thị trường
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan cũng cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/QG, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389/BP về thực hiện cao điểm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để phát sinh điểm nóng về hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cũng trong 6 tháng, đơn vị này đã ban hành 69 văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tổ chức, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hoạt động khác của Cục. Duy trì đường dây nóng của Cục 24/24 để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người tiêu dùng.
Ngoài ra, đơn vị cũng thực hiện kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024; Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025 và kiểm tra đột xuất theo quy định; lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tăng cường công tác quản lý địa bàn, tiến hành kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các thông tin, vụ việc nổi cộm, vấn đề được dư luận quan tâm.
Dự báo tình hình thị trường 6 tháng cuối năm 2024 có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan cho hay, do đó, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai và cụ thể hóa thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/QG, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389/BP về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Đơn vị sẽ tổ chức lực lượng, tăng cường kiểm tra nội dung theo các Kế hoạch chuyên đề, định kỳ đã được ban hành. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan để kịp thời kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong quá trình kiểm tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ sở.
Cùng với đó, đơn vị chủ động nắm tình hình thị trường, cung, cầu hàng hóa, diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn phụ trách. Kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, tụ điểm phức tạp, lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Duy trì đường dây nóng của Cục 24/24 để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người tiêu dùng, tăng cường công tác quản lý địa bàn, tiến hành kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các thông tin, vụ việc nổi cộm, vấn đề được dư luận quan tâm.
"Để tăng cường hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trực tiếp thực thi trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, đặc biệt là khu vực biên giới. Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các vụ việc vi phạm có tính chất nổi cộm, phức tạp", bà Nguyễn Thị Thanh Loan nói thêm.