Ngày 5/2, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh đã đề ra phương án bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm kịp thời ngăn chặn các vi phạm về pháp luật lâm nghiệp cũng như tình hình cháy rừng trong mùa khô năm 2025.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối năm 2024, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 342.307,87ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 296.817,46ha và diện tích rừng trồng là 45.490,41ha.
Tỉ lệ che phủ rừng đạt 43,1%. Ngoài ra, còn có 12.853,37ha diện tích đã trồng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng.
Theo thống kê, tính đến ngày 01/12/2024, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra 287 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 2 vụ so với năm 2023.
Trong số này, đã và đang xử lý vi phạm hành chính 286 vụ; lâm sản bị tịch thu gồm 195,92 m³ gỗ các loại, giá trị lâm sản ngoài gỗ đạt 133.144.000 đồng; động vật rừng bị tịch thu 123,2 kg; phương tiện tịch thu gồm 144 xe máy, 01 ô tô và 42 phương tiện khác. Số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 1.981.906.750 đồng.
Cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố hình sự 1 vụ tại huyện Tuy Phong.
Về tình hình lấn chiếm đất rừng, đã xảy ra 64 vụ với diện tích 23,1ha, tăng 39 vụ so với năm 2023. Ngoài ra, trong mùa khô 2023 - 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 16,55 ha, tăng 07 vụ so với cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, để giảm vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và cháy rừng trong năm 2025, tỉnh cần xây dựng và thực hiện phương án phòng chống phá rừng và cháy rừng.
Đây là cơ sở pháp lý để phân công nhiệm vụ cho chính quyền địa phương và chủ rừng triển khai các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát nguyên nhân gây cháy rừng, đồng thời áp dụng phương châm "4 tại chỗ" để hạn chế tối đa các vụ cháy rừng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật lâm nghiệp và vận động người dân tham gia bảo vệ rừng.
Các đơn vị sẽ rà soát các khu vực có nguy cơ phá rừng và lấn chiếm đất rừng, xây dựng phương án phòng chống phá rừng phù hợp. Đồng thời, kiểm lâm địa bàn sẽ tuần tra, kiểm tra thường xuyên, ngăn chặn việc vận chuyển gỗ trái phép bằng phương tiện cải hoán ở các vùng giáp ranh.
Liên quan đến vụ hủy hoại rừng chấn động dư luận ở Bình Thuận, tháng 9/2024, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên án phúc thẩm vụ án Hủy hoại rừng đối với các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (SN 1960, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận); Nguyễn Hoàng Cẩn (SN 1963, nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận); Nguyễn Văn Hiền (SN 1963, Phó Giám đốc Công ty Phước Sang).
Tại phiên toà, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Dũng y án sơ thẩm 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Nguyễn Hoàng Cẩn y án sơ thẩm 3 năm tù. Nguyễn Văn Hiền 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Lý do bị cáo Dũng được giảm nhẹ hình phạt là đã thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt, nộp tiền khắc phục hậu quả thiệt hại. Bị cáo là người cao tuổi, có nhiều bệnh.
Trước đó, bị cáo Cẩn cũng kháng cáo kêu oan nhưng sau này thay đổi kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Còn bị cáo Nguyễn Văn Hiền bị VKSND huyện Hàm Thuận Nam kháng nghị tăng hình phạt.