Ngày 9/2, UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 12, mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Theo đó, bổ sung đối tượng hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 cho những trường hợp như: thợ xây dựng bao gồm thợ hồ, điện, nước, sơn, đóng la-phông, thạch cao, sắt, nhôm, kiếng, đá, mộc, người chạy “xe ôm”.
Bổ sung những người tự làm hoặc làm việc tại các hộ/cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực an uống, lưu trú, lữ hành, dịch vụ du lịch, các điểm du lịch, vận tải du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí thiếu nhi, spa, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, dịch vụ internet, phòng tập gym, phòng tập yoga, phòng chiếu phim, quán bida, phòng tập aerobic, quán hát với nhau, cắt tóc, hồ bơi, vận tải hành khách, hàng hóa.
Tiếp đến là những người lao động biển (tự đánh bắt hải sản hoặc làm trong các nghiệp đoàn khai thác hải sản), lao động khác (đóng tàu, đan lưới, gỡ lưới, xẻ, phơi cá, mực). Thợ điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí, thợ chụp hình, nhiếp ảnh, đánh giầy, vẽ tranh, sửa chữa khóa. Thợ sửa xe, rửa xe (ô tô, gắn máy,..), trông giữ xe.
Thợ may gia công, lao động bóc tách hạt điều, đóng gói thanh long... Lao động bốc vác tại cảng, chợ hoặc trong các nghiệp đoàn bốc xếp. Người thu mua phế liệu, giúp việc nhà, lao động là nhân viên phụ bán hàng tại các cửa hàng (shop), chợ truyền thống. Lao động vận chuyển hàng hóa (shipper), lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, các dịch vụ khác.
Điều kiện để được nhận hỗ trợ là lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): Người lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú đang gặp khó khăn về kinh tế do bị mất việc làm liên tục từ 15 ngày trở lên vì phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động theo quy định tại Quyết định số 2780/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quy định tạm thời các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo từng cấp độ dịch áp dụng trên địa bàn tỉnh; từ ngày 1/5/2021-31/12/2021 và có đơn đề nghị hỗ trợ theo quy định.
Còn đối với đối tượng đặc thù khác là người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận thuộc đối tượng được tiếp nhận trở về tỉnh theo Kế hoạch số 2729/KH-UBND ngày 24/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh và có đơn đề nghị hỗ trợ theo quy định.
Mức hỗ trợ cho lao động tự do là 1.500.000 đồng/người và đối tượng đặc thù khác thì hỗ trợ tiền mức 80.000 đồng/ngày/người (tối đa không quá 14 ngày).
Người lao động có nhu cầu hỗ trợ gửi đơn đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 01 ban hành kèm Quyết định này đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp, thời hạn tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 31/3/2022.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 8/2/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 29.601 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 8.283 trường hợp; thị xã La Gi 2.882 trường hợp; các huyện Tuy Phong 4.114 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 3.106 trường hợp, Tánh Linh 2.549 trường hợp, Đức Linh 2.390 trường hợp, Hàm Thuận Nam 2.301 trường hợp, Bắc Bình 2.064 trường hợp, Hàm Tân 1.276 trường hợp, Phú Quý 636 trường hợp.
Số trường hợp tử vong 3 ca, trong đó: Tp.Phan Thiết 1 ca bệnh nhân nữ, 74 tuổi, ngụ phường Phú Tài; huyện Hàm Thuận Bắc có 1 ca bệnh nhân nam, 77 tuổi, ngụ xã Hàm Thắng; huyện Hàm Thuận Nam 1 ca bệnh nhân nữ, tuổi 70 tuổi, ngụ xã Hàm Minh.