Bệnh nhân N.P.Q, 56 tuổi, trú tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, trước khi nhập viện 1 ngày bị đau quặn bụng, ói nhiều lần ra thức ăn, diễn tiến mệt, khó thở nên nhập viện. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2 (đang điều trị Metformin 2550 mg/ngày), tăng huyết áp, di chứng liệt nửa người nhồi máu não cũ.
Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Khoa ICU), bệnh nhân nhanh chóng được thăm khám và làm xét nghiệm lâm sàng với các biểu hiện bứt rứt, chân tay lạnh, tím đầu chi, mạch quay khó bắt, thở nhanh, huyết áp tụt.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định ngộ độc Metformin biến chứng toan chuyển hóa nặng tăng Lactate máu, suy đa cơ quan, trụy tim mạch, tổn thương thận cấp thể vô niệu, tăng kali máu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não cũ.
Ngay sau đó, bệnh nhân được các y bác sĩ xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter động mạch đo huyết áp động mạch xâm lấn, bù dịch Natribicarbonate và dùng thuốc vận mạch (Noradrenalin 1.8 ug/kg/ph và Adrenalin 0.2ug/kh/ph), kháng sinh (Meropenem + Levofloxacin ).
Tuy nhiên, tình trạng huyết động của bệnh nhân không được cải thiện (73/46/32mmHg) do toan chuyển hóa quá nặng.
Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa ICU đã hội chẩn và quyết định tiến hành lọc máu liên tục, Mode CVVHDF (lọc máu liên tục có thẩm tách) cho bệnh nhân.
Sau lọc máu liên tục 8 giờ, huyết áp bệnh nhân dần được cải thiện (118/76/54mmHg). Sau 16 giờ lọc máu liên tục bệnh nhân bắt đầu có nước tiểu và sau 36 giờ hồi sức tích cực và lọc máu liên tục, bệnh nhân đã cắt được hoàn toàn thuốc vận mạch.
Sau 2 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã được rút nội khí quản, tự thở tốt, các chỉ số sinh tồn và xét nghiệm dần về ổn định.
Bác sĩ Phạm Tấn Vương, công tác tại Bệnh viện Đa khoa An Phước - người trực tiếp điều trị cho bênh nhân N.P.Q cho biết: “Trước đây, đối với một ca bệnh rất nặng về ngộ độc Metformin biến chứng toan chuyển hóa nặng dẫn đến suy đa cơ quan trên bệnh nhân có bệnh nền phức tạp như thế này thì thường là tiên lượng rất xấu và tỉ lệ tử vong cao, Khoa ICU sẽ phải chuyển lên tuyến trên để điều trị.
Quá trình di chuyển rất khó khăn, nguy cơ tử vong trên đường cao. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng, Bệnh viện Đa khoa An Phước, Khoa ICU đã ứng dụng các phương pháp điều trị kỹ thuật cao (lọc máu liên tục), nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ tử vong và giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương”.
“Từ ca lâm sàng trên, khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường cần tái khám thường xuyên, đúng lịch hẹn để điều trị thuốc theo đúng phác đồ, tầm soát các biến chứng đái tháo đường, để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Phạm Tấn Vương chia sẻ.