Theo báo cáo, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2023, ngay từ đầu năm, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận đã tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các Kết luận của Tỉnh ủy; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; Chương trình hành động, chương trình công tác, quyết định giao nhiệm vụ và dự toán ngân sách của UBND tỉnh.
Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức và người lao động, cùng sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương; ngành Thông tin và Truyền thông đã phấn đấu và đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác năm 2023.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông tỉnh và phối hợp với UBND thành phố Phan Thiết đánh giá kết quả triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Phan Thiết; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin (GIS) phục vụ quy hoạch tỉnh Bình Thuận;…
Các hệ thống thông tin, nền tảng số do các sở, ngành đang tập trung triển khai: Hệ thống điều hành chính quyền điện tử; ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát, khai thác tài nguyên khoáng sản; công bố thông tin quy hoạch sử dụng đất và tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý hoạt động cấp phép, giám sát khai thác tài nguyên nước; sử dụng thiết bị di động phục vụ tuần tra, quản lý, xác minh, giám sát, tài nguyên rừng; số hóa quy trình triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận (OCOP); hệ thống lưu, truyền hình ảnh y khoa (PACS) và hệ thống kết nối chẩn đoán hình ảnh (RIS) trong Bệnh viện đa khoa tỉnh; hệ thống thông tin quản lý trạm y tế cấp xã; số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực...
Hiện nay, 100% thôn, khu phố và 6 tổ tự quản có tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), gồm: có 697 tổ CNSCĐ trên 691 thôn, khu phố và 6 tổ tự quản, với tổng số thành viên 2.447 người; xây dựng hoàn thành ứng dụng công dân số Bình Thuận (CDS Bình Thuận) cung cấp thông tin đa dạng cho người dân khai thác, đồng thời tạo công cụ để người dân tương tác với chính quyền các cấp qua môi trường số; triển khai ứng dụng trợ lý ảo giải đáp về thủ tục hành chính (tích hợp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh).
Với chủ đề năm 2024 của ngành Thông tin và Truyền thông là: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng đến từng hộ gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất hoàn thiện các văn bản pháp lý, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai chuyển đổi số. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí; phải xem báo chí như là lực lượng “lõi” để lan tỏa thông tin chính thống, dòng chảy chính lên không gian truyền thông; đồng thời, định hướng dư luận, phản bác tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí. Rà quét, ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội. Hoàn thành đúng số lượng, thời gian và đạt chất lượng cao nhất các cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất năm 2024.
Chấn chỉnh, xử lý đúng, nghiêm khắc các sai phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đặc biệt các vấn đề nóng, vấn đề nổi cộm được xã hội quan tâm.