Đề xuất thêm phương án thực hiện dự án
Ngày 13/4, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã đi kiểm tra thực tế dự án Trạm bơm Hồng Liêm và hệ thống kênh tưới; dự án Kênh chính Bắc hồ Sông Quao trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình.
Dự án Kênh chính Bắc hồ Sông Quao huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2021, với tổng mức đầu tư hơn 266 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Mục tiêu của dự án là sử dụng nguồn nước hồ Sông Quao để cấp nước tưới cho khoảng 2.000ha đất nông nghiệp và cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi của người dân thuộc xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc) và xã Bình Tân (huyện Bắc Bình).
Ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; đơn vị tư vấn đề xuất phương án làm cống lấy nước để thay thế phương án lấy nước bằng trạm bơm và đã được UBND tỉnh chấp thuận cho lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Thế nhưng, qua khảo sát, tính toán, phân tích cụ thể các phương án, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đề xuất thêm giải pháp đào đường hầm lấy nước xuyên đồi.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với đơn vị tư vấn làm rõ đề xuất điều chỉnh phương án đầu tư để Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương làm cơ sở lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư trình HĐND tỉnh phê duyệt và triển khai dự án theo đúng quy định.
Tiến độ đang rất chậm
Dự án Trạm bơm Hồng Liêm và hệ thống kênh tưới, huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án đầu tư năm 2021 với tổng mức đầu tư 174 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Mục tiêu của dự án là đầu tư trạm bơm đầu mối có công suất đảm bảo cấp nước sản xuất cho 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 725ha của xã Bình Tân và xã Sông Lũy thuộc huyện Bắc Bình và 1.275ha của xã Hồng Liêm, xã Hồng Sơn thuộc huyện Hàm Thuận Bắc.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện xong việc cắm mốc tim và mốc giải phóng mặt bằng ngoài hiện trường dự án.
Đồng thời, thực hiện các thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến công trình giao cắt với đường sắt và Quốc lộ 1A; đã thỏa thuận về cấp điện, đường dây trung thế, trạm biến áp để phục vụ cho trạm bơm. Hoàn thành công tác lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán dự án; Ký hợp đồng với đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ thu hồi đất; Đã thực hiện xong công tác tư vấn điều tra, khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công, dự toán rà phá bom mìn vật nổ.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án Trạm bơm Hồng Liêm và hệ thống kênh tưới; dự án Kênh chính Bắc hồ Sông Quao trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho rằng, tiến độ thực hiện dự án trên hiện nay là rất chậm.
Đối với dự án Trạm bơm Hồng Liêm và hệ thống kênh tưới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp với Sở, ngành và đơn vị liên quan rà soát, tập hợp hồ sơ liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng tuyến kênh chính, làm rõ tính pháp lý và đề xuất phương án đền bù theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận.
Tổ chức họp dân để thống nhất các nội dung liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đánh giá lại tính hiệu quả sau khi hoàn thành dự án.
Về dự án Kênh chính Bắc hồ Sông Quao huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn bổ sung phương án mới, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; phân tích, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của từng phương án, trên cơ sở đó lựa chọn đề xuất phương án thực hiện tối ưu, hiệu quả nhất.
Quá trình triển khai phải tính toán để giảm tác động vào rừng.