UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (gọi tắt là quy hoạch titan). Trong đó, Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng xin giảm từ 24 khu vực với tổng diện tích 20.843 ha xuống còn 13 khu vực, với tổng diện tíchh 7.730 ha.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch titan nhằm đảm bảo việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác titan trong thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân địa phương; giảm sự chồng lấn giữa quy hoạch, dự án titan với các dự án kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận qua đó tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các dự án nói chung và dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) nói riêng của tỉnh; giảm tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan, nguồn nước, đời sống của người dân... do khai thác mỏ titan.
Các khu vực quy hoạch titan chưa cấp phép thăm dò hoặc đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác hiện nay sau khi đưa vào dự trữ khoáng sản có thể đầu tư các dự án không ảnh hưởng đến trữ lượng titan bên dưới, dự trữ được nguồn khoáng sản titan để sau này khi khoa học kỹ thuật tiến bộ hơn, công nghệ khai thác, chế biến titan hiện đại hơn cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường tốt hơn ... sẽ triển khai việc khai thác, chế biến mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao hơn so với hiện nay.
Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát tổng quy mô trữ lượng, công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép thăm dò, khai thác và hiện trạng đầu tư nhà máy chế biến sâu để quy hoạch phân kỳ cấp phép thăm dò, khai thác hợp lý, đảm bảo nguyên tắc khai thác gắn với chế biến sâu. Trường hợp chưa đầu tư được nhà máy chế biến sâu titan thì kiến nghị cơ quan liên quan tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác.
Theo monre.gov.vn