Theo Văn bản số 1696/KL – UBND, do ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký ban hành, chỉ rõ đây là sai phạm ở TP.Phan Thiết là có hệ thống. Những người có trách nhiệm còn tiếp tay cho các đại gia bất động sản trục lợi bất chính.
Phát hiện nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trái quy hoạch
Từ đầu năm 2016 đến tháng 9/2018, UBND TP.Phan Thiết cho phép 160 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn tại 3 xã: Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện 160 hồ sơ nêu trên không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của tỉnh Bình Thuận
Cụ thể, theo quy hoạch, vị trí 160 thửa đất này hầu hết là đất cây lâu năm, nhưng UBND TP.Phan Thiết lại cho phép chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn.
Để có những kết luận chính xác, đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận đã đối chiếu bản đồ kế hoạch sử dụng đất qua 3 năm: 2016, 2017, 2018 của TP.Phan Thiết do UBND tỉnh phê duyệt, trong số 160 thửa đất trên có đến 139 thửa với tổng diện tích hơn 176.800m2 không đúng kế hoạch sử dụng với diện tích hơn 54.000m2.
Nội dung của các hồ sơ là xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, nhưng cơ quan chuyên trách của TP.Phan Thiết lại không thẩm định điều kiện, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 06 của Thông tư số 30/2014 của bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo luật Đất đai năm 2013, quy hoạch sử dụng đất cấp xã không còn nằm trong hệ thống quy hoạch, nghĩa là không còn hiệu lực. Tuy nhiên, phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Phan Thiết đã vận dụng, căn cứ các quy hoạch sử dụng đất của cấp xã để tham mưu UBND TP.Phan Thiết, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sai với quy hoạch sử dụng đất của địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Sở tiếp tay cho sai phạm…
Bất ngờ kiểm tra 10 hồ sơ hợp thửa, tách thửa tại văn phòng Đăng ký đất đai TP.Phan Thiết, đoàn thanh tra của tỉnh Bình Thuận phát hiện có 9 hồ sơ đã chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, rồi sau đó làm thủ tục xin hợp thửa, tách thửa.
Trong đó có một trường hợp thực hiện thủ tục tách thửa đất nông nghiệp (mỗi thửa 1.000m2), sau đó lại xin chuyển một phần đất nông nghiệp sang đất ở. Các hồ sơ nêu trên không thể hiện việc xin cấp đổi giấy chứng nhận theo thửa đất được hợp thửa, mà xin tách thửa theo hiện trạng có đường giao thông tự mở.
Các trường hợp tách thửa nhưng không lập dự án đầu tư là trái với Quyết định 55 mà UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường khi cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất, và thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó, nhưng không có văn bản đề nghị UBND TP.Phan Thiết ban hành quyết định thu hồi đất theo thẩm quyền.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận theo các thửa được tách, các hộ gia đình và cá nhân đã sang nhượng hầu hết các thửa đất được tách.
Điều đáng nói, ngày 31/01/2018, văn phòng Đăng ký đất đai TP.Phan Thiết có công văn gửi UBND TP.Phan Thiết xin ý kiến về việc xin hợp thửa và tách 11 thửa trên diện tích hơn 9.783m2 tại thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp của ông Phạm Hòa Trung.
Đến ngày 12/2/2018, UBND TP.Phan Thiết cũng đã có ý kiến về việc này. Theo đó, UBND TP.Phan Thiết xác định vị trí các lô đất xin tách thửa của ông Trung từ số 64 đến 74 thuộc tờ bản đồ số 101 nằm trong quy hoạch đất trồng cây công nghiệp; nên tạm thời chưa thống nhất cho tách thửa.
Tuy nhiên, sau 1 ngày, tức vào ngày 13/2/2018, sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận đã ký quyết định cho tách 11 thửa của ông Trung với diện tích hơn 9.783m2.
Sau đó, vào tháng 3/2018, Sở này lại tiếp tục sai phạm và đồng ý ký cho tách thành 90 thửa (mỗi thửa trên 100m2), tiếp tay cho ông Trung chuyển nhượng thành công các thửa đất ở nông thôn.
Sẽ thất thoát ngân sách hơn 5 tỷ nếu không thanh tra
Qua kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện 65/160 hồ sơ sai phạm về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, văn phòng Đăng ký đất đai TP.Phan Thiết đã ghi thiếu thông tin vị trí đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích. Nhưng, điều đáng nói là chi cục Thuế Phan Thiết sau khi nhận hồ sơ đã không trả lại để văn phòng Đăng ký Đất đai Phan Thiết bổ sung thông tin, mà vẫn tính tiền sử dụng đất và ra thông báo nộp tiền sử dụng đất.
Cụ thể, năm 2017, bà Nguyễn Thị Như Trang được UBND TP.Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, với diện tích hơn 8.736m2 tại xã Thiện Nghiệp.
Văn phòng Đăng ký Đất đai Phan Thiết có phiếu chuyển thông tin địa chính đối với thửa đất trên cho chi cục Thuế Phan Thiết để tính tiền sử dụng đất. Nhưng phiếu chuyển chỉ thể hiện vị trí đất ở khu vực 3, vị trí 3; không thể hiện thông tin vị trí đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích để làm căn cứ tính giá đất.
Dù thế, chi cục Thuế Phan Thiết không trả lại để văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết bổ sung thông tin theo quy định, mà tự ý xác định là đất nông nghiệp nằm trong phạm vi khu dân cư để tính tiền và ra thông báo số tiền phải nộp là hơn 172 triệu đồng..
Tiếp đó, ngày 18/12/2017, văn phòng Đăng ký Đất đai Phan Thiết lại có công văn gửi chi cục Thuế Phan Thiết thông báo thay đổi vị trí đất ở từ khu vực 3, vị trí 3 thành khu vực 3, vị trí 5; nhưng vẫn không bổ sung vị trí đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích theo quy định.
Căn cứ thay đổi nêu trên, chi cục Thuế Phan Thiết thông báo lại số tiền phải nộp là “0 đồng”. Văn phòng đăng ký đất đai TP.Phan Thiết đã điều chỉnh thông tin và giao giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trang.
Đến ngày 15/11/2018, văn phòng Đăng ký đất đai TP.Phan Thiết, chi cục Thuế Phan Thiết và phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp và xác định lại vị trí đất đó là đất nông nghiệp nằm ngoài phạm vi khu dân cư.
Một ngày sau, văn phòng Đăng ký đất đai TP.Phan Thiết có văn bản gửi chi cục Thuế Phan Thiết để tính lại số tiền sử dụng đất và thông báo lại số tiền chênh lệch phải nộp đối với thửa đất của bà Trang là hơn 933 triệu đồng.
Tương tự, trường hợp ông Phạm Hòa Trung ban đầu chỉ nộp có 196.000 đồng trên thửa đất 6.860m2. Tuy nhiên, sau đó chi cục Thuế TP.Phan Thiết đã tính lại và ông Trung phải số tiền chênh lệch nộp gần 612 triệu đồng.
Ngoài ra, các trường hợp như ông Dương Hồng Phong có diện tích là 3.541m2 phải đóng số tiền lệch hơn 535 triệu đồng. Ông Phạm Chung lệch 357 triệu đồng trên diện tích 5.100m2.
Đặc biệt, trường hợp của ông Mai Văn Triệu có diện tích trên 41.472m2 và được tính lệch so với thực tế hơn 3,3 tỷ đồng. Nếu đoàn thanh tra của tỉnh Bình Thuận không phát hiện kịp thời, chỉ 5 trường hợp nêu trên đã gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 5,7 tỷ đồng.
Chuyển hồ sơ sai phạm cho cơ quan công an điều tra
Sau khi có kết luận chính thức, nhận thấy những sai phạm nêu trên được xác định là sai phạm có hệ thống, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, tiếp tục điều tra dấu hiệu hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm trái các quy định trong xác định vị trí thửa đất; cho tách thửa trái quy định pháp luật; phân lô đất nền sang nhượng thu lợi bất chính, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Hai cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bê tông… trái phép trên đất nông nghiệp, các điểm dân cư tự phát không đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn về xây dựng, không đúng quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Xác định lại chính xác các vị trí thửa đất trước khi cho chuyển mục đích đối với các hồ sơ sai phạm.
Ông Hai còn yêu cầu sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, UBND TP.Phan Thiết, chi cục Thuế Phan Thiết, văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan, được nêu trong kết luận của đoàn Thanh tra tỉnh.