PV đã phỏng vấn ghi hình lại hiện trạng hút dầu trưa ngày 21-3
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vận tải biển Trường Tâm cùng lực lượng Bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan triển khai khẩn trương. Phương án triển khai việc hút dầu gồm: tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị máy móc, cứu hộ đến vị trí tàu Bạch Đằng bị lật; đặt phao quây dầu; đặt cảnh giới tàu; ráp hệ thống ống bơm hút dầu vào ống thông hơi của két dầu trên tàu… Gần 4.000 lít dầu DO lẫn nước đã được các lực lượng chức năng hút khỏi tàu Bạch Đằng bị lật tại vùng biển Mũi Né, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật- Thượng tá Dương Văn Thiết, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết: “Sau khi được tin tàu Bạch Đằng chìm tại Mũi Né, bộ đội biên phòng đã triển khai lực lượng cứu hộ an toàn 7 thuyền viên. Với 2.000 lít dầu và 1.500 tấn xỉ than trên tàu, Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh rà soát, thẩm định phương án trục vớt. Sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện giai đoạn 1 là hút dầu trên tàu. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình hút dầu, Bộ đội biên phòng tỉnh đã triển khai lực lượng, phương tiện phong tỏa bảo vệ an ninh trật tự khu vực trục vớt đồng thời tổ chức phương tiện hỗ trợ thả phao dây để thực hiện ngăn chặn khi có sự cố tràn dầu ra ngoài và chuẩn bị sẵn sàng giấy thấm để khi có sự cố tràn dầu xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho môi trường”.
Đại diện lãnh đạo UBND TP.Phan Thiết cũng có mặt để theo dõi chỉ đạo quá trình triển khai hút dầu từ tàu lật.
Ông Lê Văn Chơn, Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết cho biết: “Lãnh đạo địa phương, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh và bộ đội biên phòng kiểm tra giám sát việc thực hiện bơm hút dầu. Lãnh đạo địa phương yêu cầu phía công ty thực hiện phải đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, an ninh trật tự và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Việc hút dầu phải thực hiện khẩn trương, nhanh chóng. Sau khi hút dầu xong, phía công ty phải triển khai trục vớt tàu để đảm bảo môi trường du lịch cho TP.Phan Thiết”.
Do tàu còn nổi một phần trên mặt biển nên phao quây dầu thả theo hình chữ U đón dòng chảy con nước để phòng tình huống tràn dầu trong quá trình hút. Sau khi hoàn tất các bước, việc bơm hút dầu lên két chứa được thực hiện. Sau gần 20 phút, toàn bộ số dầu đã được hút khỏi tàu. Việc bơm hút dầu được thực hiện an toàn, không xảy ra sự cố tràn dầu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Công ty Trường Tâm, chỉ huy trưởng hiện trường cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại việc hút dầu đã hoàn thành và rất thuận lợi trước sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành. Đặc biệt, lực lượng bộ đội biên phòng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi đã hút hết toàn bộ số dầu trong tàu và cam kết đã hút dầu hết, không có sự cố loang dầu xảy ra. Hiện tại, chúng tôi đã hút 4 khối dầu lẫn nước ra khỏi tàu. Toàn bộ số dầu sẽ được đưa vào bờ để đưa về nhà máy xử lý theo quy định của pháp luật còn lại các phương án trục vớt tàu Bạch Đằng sẽ tiếp tục được triển khai. Theo ông Hùng, toàn bộ 4.000 lít dầu và nước sẽ được chở về cảng và đưa lên xe bồn để đưa về nhà máy xử lý theo quy định của pháp luật.
Như thông tin Người Đưa Tin Pháp luật đã đưa, tàu vận tải Bạch Đằng có trọng tải hơn 2.500 tấn, trên tàu có 7 thuyền viên. Tàu Bạch Đằng chở 1.500 tấn tro than từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đến khoảng 17h30 ngày 14/3, khi tàu đang đi qua vùng biển Mũi Né, cách bờ khoảng 0,5 hải lý thì bất ngờ bị lật. Đồn Biên phòng Mũi Né sử dụng phương tiện cứu được toàn bộ 7/7 thuyền viên trên tàu Bạch Đằng và đưa vào bờ an toàn.