Tham dự buổi họp báo có ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Hồng Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (chủ trì buổi họp báo) cùng lãnh đạo sở ban ngành, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu mở đầu tại buổi họp báo, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ: “Từ năm 2019 quá trình chuẩn bị trình Quốc hội cho đến Quốc hội thông qua thì báo chí cũng đã quan tâm và cũng đưa những mong muốn, khát vọng của người dân Bình Thuận, một vùng khô hạn nhất cả nước. Gần đây, khi một bài báo đăng lên, dư luận quan tâm rất nhiều chiều đến dự án hồ chứa nước Ka Pét, có người ủng hộ, có người thì không. Dự luận cứ cho là Bình Thuận phá rừng để làm hồ. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi họp báo để thông tin đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, quy mô, cách thức khai thác, bảo vệ rừng dự án hồ chứa nước Ka Pét”.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2020 và Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của Dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 đến hến năm 2025.
Mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam. Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm và tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Hoàng Thị Kha cho biết: Mỹ Thạnh là xã vùng cao, thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Nam. Bà con sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nguồn nước tưới tiêu phụ thuộc vào nước trời là chính. Nghe có chủ trương làm hồ thuỷ lợi Ka Pét, bà con nơi đây rât đồng thuận vì sẽ được giải quyết nguyện vọng có nước sinh hoạt và sản xuất.