Ngày 20/3, tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian qua các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều tuyến truyền dẫn viba từ đất liền ra huyện Phú Quý, nhằm hoàn thiện hạ tầng viễn thông cho địa phương này để phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển chuyển đổi số.
Trong đó, VNPT Bình Thuận đã xây dựng 3 tuyến truyền dẫn viba từ đất liền ra huyện Phú Quý (điểm núi Tà Zôn đến điểm núi Cao Cát), với dung lượng 4,5G; Viettel Bình Thuận đã xây dựng 04 tuyến truyền dẫn viba (từ điểm Mỏ đá Phong Phú đến điểm núi Cao Cát và từ điểm Bàu Trắng đến điểm trạm Ra đa Hải Quân), với dung lượng 9,2G; MobiFone Bình Thuận thuê truyền dẫn của các doanh nghiệp viễn thông khác để phát triển dịch vụ…
Đến nay, hạ tầng viễn thông tại huyện Phú Quý cơ bản đáp ứng cung cấp dịch vụ viễn thông phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Toàn huyện có 32 trạm phát sóng thông tin di dộng, trong đó có 11 trạm phát sóng thông tin di động của Vinaphone; 13 trạm phát sóng thông tin di động của Mobifone; 08 trạm phát sóng thông tin di động của Viettel. Với những nỗ lực đó, trong năm 2023 chỉ số chuyển đổi số của huyện Phú Quý xếp hạng 7/10 địa phương cấp huyện, đạt loại tốt.
Theo kế hoạch phát triển hạ tầng truyền dẫn ở huyện Phú Quý của các doanh nghiệp viễn thông, trong năm 2024 huyện Phú Quý sẽ được nâng tổng dung lượng truyền dẫn từ 13,7G lên 19,1G, tăng 5,4G.
Trong đó, VNPT Bình Thuận sẽ đầu tư phát triển thêm một tuyến trục (viba) với dung lượng 3G từ điểm núi Tà Zôn đến điểm núi Cao Cát nâng tổng số tuyến truyền dẫn lên 4 tuyến với dung lượng 7,5G; Viettel Bình Thuận sẽ đầu tư nâng cấp tuyến truyền dẫn với dung lượng 2,4G nâng tổng dung lượng lên m 11,6G.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, trong thời gian tới UBND huyện Phú Quý sẽ tập trung triển khai sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, trọng tâm là số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống đảm bảo 100% hồ sơ được cập nhật vào hệ thống; trạng thái, thời gian xử lý hồ sơ trong thực tế trùng khớp với trạng thái, thời gian xử lý hồ sơ trên hệ thống.
Đồng thời, khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị đã được đầu tư tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến.