Ngày 29/3, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành, hỗ trợ kết thúc hợp đồng dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.
Tổ công tác liên ngành do ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT làm Tổ trưởng và các thành viên của các Sở: Kế hoạch Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Tư pháp; Hội Luật gia tỉnh và UBND Tp.Phan Thiết.
Tổ công tác liên ngành hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật hiện hành, các điều khoản của Hợp đồng BOT đã ký kết để tham mưu UBND tỉnh xem xét kết thúc hợp đồng dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Sân bay Phan Thiết hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT (sân bay cấp 4C) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư tại Công văn số 7285 ngày 18/9/2014.
Tỉnh Bình Thuận đã tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định và đã phê duyệt kết quả lựa chọn Nhà đầu tư để thực hiện dự án là Công ty cổ phần Rạng Đông.
Trong quá trình triển khai, để đảm bảo sự phát triển về lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác sân bay, UBND tỉnh và Bộ Quốc phòng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400m lên 3.050m.
Đồng thời, nâng công suất khai thác từ 500.000 hành khách/năm lên 2 triệu hành khách/năm.
Mục tiêu nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài - Phan Thiết, Vân Đồn - Phan Thiết, Cát Bi - Phan Thiết với các máy bay code E trong giai đoạn đến năm 2030 cũng như khai thác được các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay.
Từ việc nâng cấp này đã tăng tổng mức đầu tư lên hơn 3.800 tỷ đồng, do đó phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
UBND tỉnh thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu tỉnh Bình Thuận rà soát năng lực của Nhà đầu tư, xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế.
Trong đó việc lựa chọn nhà đầu tư phải công khai, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo uy tín, năng lực để hoàn thành công trình đồng bộ với sân bay quân sự.
Với việc thành lập Tổ liên ngành, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đang chỉ đạo các Sở, ngành nghiên cứu các quy định pháp luật để đàm phán chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư cũ và triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mới, đảm bảo năng lực, kinh nghiệm theo đúng quy định pháp luật để xây dựng hạng mục hàng không dân dụng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự án sân bay quân sự tại Phan Thiết do Bộ Quốc phòng đầu tư các hạng mục chính thuộc kết cấu hạ tầng sân bay và các thiết bị bảo đảm hoạt động bay.
Do đây là tài sản quốc phòng, không nằm trong dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.
Vì vậy, cần thiết phải làm việc với Bộ Quốc phòng để thống nhất phương án khai thác chung tài sản của quốc phòng và thống nhất các tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn khai thác của các hạng mục công trình do Bộ Quốc phòng triển khai đầu tư bảo đảm đồng bộ với các hạng mục công trình khu hàng không dân dụng.
UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về khai thác hàng không dân dụng, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác hàng không dân dụng tại Cảng hàng không Phan Thiết.