Ngày 6/6, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp cho ý kiến dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, qua rà soát tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bình Thuận không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp; có 8 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp do đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Lạc Đạo, phường Đức Thắng và phường Đức Nghĩa (thành phố Phan Thiết) thành phường Lạc Đạo mới.
Sau sắp xếp, đơn vị mới có diện tích 1,36km2, quy mô dân số là hơn 37.200 người.
Tiếp đó là nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Bình Hưng và phường Hưng Long (thành phố Phan Thiết) thành phường Bình Hưng mới. Kết quả sau sắp xếp, đơn vị hành chính mới có diện tích 1,59km2, quy mô dân số hơn 22.800 người.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp, sẽ điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên 4,43km2 của xã Phan Lâm nhập vào xã Phan Sơn (huyện Bắc Bình). Sau sắp xếp, điều chỉnh một phần địa giới hành chính thì xã Phan Sơn có diện tích tự nhiên khoảng 192km2, quy mô dân số hơn 4.300 người.
Còn đối với các xã Phong Nẫm, Tiến Lợi, phường Thanh Hải thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, nhưng địa phương đề nghị không (hoặc chưa) thực hiện do yếu tố đặc thù và liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - ông Đoàn Anh Dũng cho rằng, đây là đề án lớn, liên quan đến nhiều vấn đề về cán bộ công chức và đời sống người dân, do đó cần tiến hành một cách chặt chẽ, thận trọng.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu hoàn thiện đề án, tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý, cần cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, vị trí địa lý, cộng đồng dân cư… để đặt tên cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh tiến độ, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, việc lấy ý kiến của người dân là rất quan trọng nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lắng nghe tiếp thu ý kiến người dân, đồng thời tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính giúp tinh gọn tổ chức bộ máy ở cấp xã, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, mở rộng không gian phát triển; hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động; giúp công tác quản lý Nhà nước được tốt hơn, giải quyết công việc nhanh, hiệu quả hơn.
Đồng thời, giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính do quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.