Clip ghi nhận vào chiều ngày 20/3.
Vào lúc 17h30 ngày 14/3 tàu Bạch Đằng chở 1.500 tấn bụi than từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đi cảng Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị lật úp trên vùng biển Mũi Né – TP.Phan Thiết. Ngày 15/3/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh có Công văn số 850/UBND-KT về việc triển khai công tác ứng phó sự cố tràn dầu, trục vớt tàu Bạch Đằng tại vùng biển Mũi Né.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cho rằng công tác cứu hộ tàu bị nạn đến nay triển khai khá chậm, có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu, ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường trong khu vực, nhất là khu vực tập trung rất nhiều cơ sở du lịch cao cấp và các hoạt động dân sinh khác.
Trước đó, ngày 16/3/2021, thợ lặn đã tiến hành khảo sát tàu Bạch Đằng với hiện trạng: tàu bị lật úp và nghiêng phía mạn trái, một phần đáy tàu từ mũi đến giữa tàu còn nổi trên mặt nước và nằm nghiêng so với mặt nước biển khoảng 15 độ, mũi tàu hướng về phía tây. Độ sâu đáy biển tại vị trí tàu bị lật khoảng 7m. Các bồn hàng khu vực hầm hàng số 1 còn nguyên vẹn, đầu các bồn hàng còn nổi trên mặt đáy biển, phía trước cách đáy biển khoảng 1,5m, phía sau cách mặt đáy biển khoảng 1m. Các bồn hàng khu vực hầm hàng số 2 phía sau nằm sát mặt đáy biển, đỉnh bồn hàng 9P, 10P bị móp méo. Các hầm dầu đã được khóa kín van và bịt kín các đầu ống thông hơi.
Nhiều phương án cứu nạn của Công ty cổ phần trục vớt cứu hộ Việt Nam (đơn vị được thuê trục vớt) được đặt ra theo từng bước như sau: Huy động 2 tàu kéo có công suất lớn, 2 cần cẩu nổi 130 tấn và 350 tấn, tàu hút bùn 800 tấn và các thiết bị hỗ trợ khác. Theo đó bơm hút dầu, tro than, di dời tàu ra vùng nước sâu, làm nổi tàu và kéo tàu về Cảng neo đậu.
Mặc dù đã có kế hoạch và phương án cứu nạn cụ thể nhưng công việc vẫn chưa triển khai, ghi nhận của PV Người Đưa tin Pháp luật vào chiều ngày 20/3 cho thấy, con tàu vẫn ở nguyên vị trí cũ. Trao đổi nhanh qua điện thoại với một cán bộ Kinh tế phường Mũi Né anh cho biết: “Chúng tôi có nghe tin con tàu bị nạn vào ngày 14/3 nhưng các đơn vị có liên quan vẫn chưa liên hệ với địa phương”.
Trước đó, ngày 19/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong đã ký văn bản “hỏa tốc” về việc khẩn trương trục vớt tàu Bạch Đằng tại vùng biển Mũi Né.
Theo đó, yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư ĐMK khẩn trương trình phương án trục vớt tàu Bạch Đằng và nhanh chóng tiến hành trục vớt tàu sau khi phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Chậm trễ để xảy ra sự cố tràn dầu, sự cố về tro bay làm ảnh hưởng đến môi trường biển, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế, xã hội trong khu vực hoặc gây ra các vụ việc mất an toàn lưu thông trên biển, Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật theo quy định. Giao Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân TP.Phan Thiết và các sở ngành liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng tàu bị nạn, tổ chức các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hàng hải, đảm bảo sẵn sàng phương tiện cũng như trang thiết bị để ứng phó sự cố kịp thời trong quá trình trục vớt và ứng phó sự cố tràn dầu, đảm bảo giải quyết hiệu quả sự cố, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong khu vực.