Chiều 9/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tham dự cuộc họp, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải chủ trì cùng các thành viên ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ngành liên quan và kết nối các điểm cầu trực tuyến tại các địa phương có biển trong toàn tỉnh.
Xử phạt vi phạm hành chính là 372 vụ, thu gần 3 tỷ đồng
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến cho biết, tính đến thời điểm này các cơ quan, đơn vị và địa phương đã nỗ lực, tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, một số nhiệm vụ đạt kết quả tích cực.
Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm đẩy mạnh; quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao, không để vi phạm vùng biển nước ngoài. Thực hiện đăng ký, đăng kiểm cho tàu cá cơ bản theo kịp tiến độ đề ra, đến nay đạt 85,6%.
Công tác triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản (eCDT) có sự tiến bộ rõ nét. Sở NN-PTNT đã bố trí kinh phí, tổ chức mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị (Cảng cá, Văn phòng Đại diện Kiểm soát nghề cá, Biên phòng) để hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân thực hiện khai báo xuất nhập bến, ra vào cảng qua hệ thống eCDT.
Đến nay, các cảng cá đã hỗ trợ ngư dân khai báo ra, vào cảng qua Hệ thống eCDT 4.958 lượt tàu. Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm được tăng cường. Từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính là 372 vụ/ gần 3 tỷ đồng.
Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã thẩm định thiết kế cho 45 trường hợp. Sau đó, đã tiến hành các bước kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy định và đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (ATKT) cho 23 tàu. Còn lại 22 tàu cá chưa cấp giấy chứng nhận ATKT vì tàu hoạt động nghề cấm (lưới kéo) chưa chuyển nghề, tàu đang hoạt động trên biển, tàu chưa được chuyển hạn ngạch vùng khơi.
Tại cuộc họp, các địa phương có các ý kiến liên quan đến việc triển khai thực hiện đăng ký tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép - PV). Việc cấp/cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã đăng ký đến nay thực hiện còn rất chậm, vẫn còn 1.451 tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép.
Hiện nay, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã tiếp cận kiểm tra, hướng dẫn thủ tục là 212 chiếc. Qua kiểm tra, 10 tàu đã có hồ sơ kỹ thuật, cụ thể đã cấp 1 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, số còn lại chưa cấp vì tàu hoạt động nghề cấm (lưới kéo) chưa chuyển nghề, tàu đang hoạt động trên biển, tàu chưa được chuyển hạn ngạch vùng khơi...
Riêng 202 tàu không có hồ sơ kỹ thuật (hiện nay đã có 189 chủ tàu đã liên hệ đơn vị thiết kế lập hồ sơ), phấn đấu đến cuối tháng 9/2024 sẽ tích cực hoàn thành công tác đăng ký cho nhóm tàu này.
Xử phạt nghiêm khắc đối với những tàu cá "3 không"
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải đánh giá cao những nỗ lực và kết quả ngành nông nghiệp, địa phương đã đạt được thời gian qua.
Về nhiệm vụ sắp tới, đề nghị các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền chống khai thác IUU cao điểm trong tháng 9, 10. Ngoài ra, căn cứ danh sách nhóm tàu nguy cơ cao, yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tiếp tục giám sát, theo dõi đặc biệt.
Đối với công tác đăng ký tàu "3 không", đề nghị UBND Hàm Tân là địa phương có tỉ lệ đăng ký thấp nhất, học tập mô hình của UBND Tuy Phong để hoàn thành sớm việc đăng ký trong tháng 9.
Đối với những tàu "3 không" không chấp hành, lập danh sách tàu cá gửi cho lực lượng chức năng phối hợp phường, xã giám sát, không cho xuất bến đi hoạt động, xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, đảm bảo đến 15/9 nhóm tàu "3 không" từ 6 – 12m hoàn thành 100% việc đăng ký.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho rằng, cần xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định về kết nối VMS. Đồng thời, biểu dương Tp.Phan Thiết là một trong những địa phương tiên phong xử lý tàu cá mất kết nối VMS.
Các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để sớm khắc phục sửa chữa, hư hỏng, xuống cấp hạ tầng cảng cá, nạo vét khơi thông luồng lạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cảng cá.