Ngày 21/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng chủ trì họp trực tuyến, nghe báo cáo về dự kiến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công và danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2026-2030; việc lập kế hoạch đầu tư công và danh mục công trình trọng điểm của tỉnh năm 2025.
Giải ngân vốn đầu tư công tương đối thấp
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận Lê Ngọc Tiến cho biết, năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh hơn 4.700 tỷ đồng. Đến ngày 18/10, giá trị giải ngân hơn 2.069 tỷ đồng, đạt hơn 43%. Đối với 8 công trình trọng điểm của tỉnh 08 công trình trọng điểm của tỉnh, với tổng kế hoạch vốn 662 tỷ đồng, giải ngân là 232 tỷ, đạt 35%.
Mặc dù, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, định kỳ họp và kiểm tra thực tế công trường về công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tuy nhiên kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 là tương đối thấp, chỉ đạt 40,58% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguyên nhân chủ yếu do công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài; đến thời điểm hiện tại, có 34 dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu; mặt khác vẫn còn 14 dự án đang triển khai thực hiện vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài như việc lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu các dự án còn chậm, dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân. Đến thời điểm hiện nay có 37 dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, với tổng kế hoạch vốn năm 2024 bố trí là 561 tỷ đồng.
Còn 14 dự án đang triển khai thực hiện vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, trọng tâm là xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, với tổng kế hoạch vốn năm 2024 bố trí là hơn 1.000 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 133 tỷ đồng, đạt 12,45% kế hoạch vốn được giao.
Về việc lập kế hoạch đầu tư công và danh mục công trình trọng điểm của tỉnh Bình Thuận năm 2025, dự kiến tổng số nguồn vốn ngân sách tỉnh kế hoạch là khoảng 3.480 tỷ đồng.
Tỉnh tiếp tục đưa 8 công trình trọng điểm năm 2024 vào danh mục công trình trọng điểm năm 2025 để chỉ đạo thực hiện gồm: Kè bờ tả sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), Hồ chứa nước Ka Pét, Chung cư sông Cà Ty, Công trình Công viên Hùng Vương, Cảng hàng không Phan Thiết, Làm mới Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, Cầu Văn Thánh và Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Phú Quý (giai đoạn 2).
Đối với giai đoạn 2026-2030, dự kiến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 32.234 tỷ đồng, nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đã được phê duyệt.
Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan và dự kiến khả năng cân đối, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh Bình Thuận chọn hơn 10 công trình trọng điểm đầu tư công giai đoạn 2026-2030, với khả năng thực hiện hơn 10.000 tỷ đồng.
Tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho rằng, mặc dù thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân đến nay chỉ đạt hơn 43%, thấp hơn trung bình chung cả nước (hơn 50%).
Do đó, các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải quyết tâm, quyết liệt, khẩn trương khắc phục tồn tại hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy tiến độ giải ngân đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các dự án được bố trí vốn khởi công mới năm 2024, nhưng đến nay chưa lựa chọn được đơn vị thi công, cần phải khẩn trương hoàn thành thủ tục đấu thầu xây lắp theo đúng quy định, chậm nhất đến ngày 5/11 phải hoàn thành.
Các chủ đầu tư cần chủ động rà soát, đánh giá giải ngân của từng dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và thiếu vốn theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư bám sát tiến độ từng dự án để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là đối với dự án có khối lượng giải ngân lớn như: Cầu Văn Thánh; Trục ven biển ĐT.719 đoạn Hòn Lan - Tân Hải; Đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà) và Đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các địa phương tích cực, chủ động phối hợp các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án còn vướng đền bù để sớm bàn giao mặt bằng thi công thực hiện dự án. Kho bạc Nhà nước ngay khi nhận hồ sơ thực hiện việc kiểm soát, chi trong thời gian ngắn nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng nhắc nhở các sở, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung toàn lực, kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các quy định, chính sách thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo thời gian quy định.
Đối với danh mục các công trình trọng điểm đầu tư công giai đoạn 2026-2030, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu dự họp để nghiên cứu bổ sung đề xuất UBND tỉnh Bình Thuận.