Ngày 30/5, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ quan này vừa tổ chức họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh nghe báo cáo tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.
Kết quả từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xử lý 857 vụ khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép, xử phạt số tiền trên 12,3 tỷ đồng, tịch thu nhiều tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp, truy thu hơn 700 triệu đồng.
Tình hình vi phạm pháp luật về khoáng sản trên toàn tỉnh thời gian gần đây từng bước được lập lại trật tự, ngoài các điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép trước đây đã được xử lý dứt điểm thì chưa phát hiện các điểm nóng mới.
Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng khai thác, vận chuyển, tiệu thụ khoáng sản trái phép vẫn còn lén lút diễn ra ở một số nơi, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng.
Các đại biểu đề nghị cần tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm, kiềm chế các hành vi vi phạm, không để xảy ra điểm nóng; cùng với đó là nắm bắt xử lý nguồn tin kịp thời, hiệu quả; yêu cầu các chủ đầu tư sớm hoàn tất thủ tục để đưa các mỏ vào khai thác; tăng cường xử lý trường hợp mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ liên quan…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho biết, trước tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, lãnh chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý dứt điểm tình trạng này; đồng thời, thường xuyên kiểm tra xem xét đôn đốc xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là các điểm nóng, góp phần làm cho tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép gần đây được kiểm soát và giảm.
Thế nhưng, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, trong đó, một số địa phương có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước để tình trạng này xảy ra trong thời gian dài; việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa kịp thời. Điều đáng nói là một số nơi chỉ tiến hành thanh tra xử lý sau khi có thông tin dư luận phản ánh, gây ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan do yếu tố con người; cùng với đó là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa vào cuộc kịp thời, vẫn còn tâm lý ỷ lại ở cấp trên; công tác phối hợp giữa các cấp ngành, chưa chặt chẽ, chưa bám sát tình hình…
Để chấn chỉnh tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm; đồng thời, yêu cầu các chủ mỏ thực hiện nghiêm việc lắp đặt các trạm cân, camera để người dân tham gia giám sát và kiên quyết thu hồi các cơ sở vi phạm. Rà soát, kiên quyết thu hồi các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản quá hạn; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản khi chưa đủ hồ sơ thủ tục triển khai thác khoáng sản.
Ngày 24/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam thêm 2 bị can trong vụ khai thác khoáng sản tại huyện Hàm Tân.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Bình Thuận đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Tân, nguyên là Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ (49 tuổi, trú xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân) để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận cũng thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Viết Quý (42 tuổi, trú xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân), là công chức địa chính xã Sơn Mỹ.
Trước đó, ngày 17/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng gồm: Nguyễn Hữu Chính (đối tượng cầm đầu), Phan Đình Trọng Huy (31 tuổi), Lê Hoàng Khôi (30 tuổi), Nguyễn Thành Công (23 tuổi), đều ngụ xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân và Nguyễn Văn Trung (31 tuổi, ngụ xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.