Theo AP, Mỹ đang thẩm tra lý lịch toàn bộ lính Vệ binh Quốc gia bảo vệ lễ nhậm chức Tổng thống của ông Biden do lo ngại nguy cơ tấn công bởi “tay trong”.
Nguy cơ “tay trong” tấn công hoặc các mối đe dọa an ninh đến từ những binh sĩ được triển khai bảo vệ lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, khiến Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải rà soát lý lịch toàn bộ 25.000 binh sĩ được triển khai đến thủ đô Washington cho sự kiện này, quan chức Lầu Năm Góc cho biết.
"Chúng tôi vẫn đang thực hiện quy trình, sau đó xem xét hai đến ba lần với từng cá nhân được giao nhiệm vụ trong chiến dịch này", Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy cho biết hôm 17/1, ( giờ địa phương) sau khi ông và các lãnh đạo Lầu Năm Góc trải qua cuộc diễn tập an ninh kéo dài 3 tiếng để chuẩn bị cho buổi lễ.
Tướng McCarthy cho biết giới chức quốc phòng Mỹ hiểu rõ những mối đe dọa tiềm tàng và đã cảnh báo các chỉ huy tăng cường cảnh giác với những vấn đề có thể xuất hiện trong hàng ngũ binh sĩ trước ngày nhậm chức của Biden. Bộ trưởng Lục quân Mỹ khẳng định chưa có bằng chứng về các mối đe dọa và quá trình rà soát chưa phát hiện vấn đề nào.
Khoảng 25.000 lính Vệ binh Quốc gia Mỹ đang được triển khai từ nhiều bang đến thủ đô Washington, gấp gần ba lần số lượng binh sĩ được điều động trong những lễ nhậm chức trước đây. Ngoài quá trình rà soát của quân đội, FBI cũng tiến hành những đợt kiểm tra riêng để bảo đảm không để lọt những người có liên hệ với các nhóm cực đoan.
Việc rà soát của FBI bắt đầu từ khi lính Vệ binh Quốc gia đầu tiên đặt chân tới thủ đô Washington hồi tuần trước và dự kiến kết thúc trước ngày 20/1. Động thái này diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/1 xông vào tòa nhà quốc hội, gây ra vụ bạo động khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, bao gồm một sĩ quan cảnh sát quốc hội và hàng chục người bị thương. Một số cựu binh Mỹ đã tham gia đoàn người xâm chiếm Đồi Capitol, trong đó có một nữ cựu binh không quân bị bắn chết khi cố trèo vào khu vực cấm. Và FBI đã mở 25 cuộc điều tra về khủng bố trong nước.
Sự yên bình khác lạ
Lực lượng hành pháp hiện diện đông đảo tại thủ phủ các bang của Mỹ, nhưng có rất ít người biểu tình xuất hiện như lo lắng của giới chức.
Hơn chục bang Mỹ đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia để bảo vệ các tòa nhà nghị viện sau cảnh báo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) về các cuộc biểu tình có vũ trang, vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Tuy nhiên, không giống với dự đoán, đến chiều muộn 17/1, chỉ có vài người biểu tình đổ ra những con phố quanh các tòa nhà nghị viện bang, cùng phần lớn nhân viên hành pháp và phóng viên báo chí. Một số người biểu tình nói họ tới đó để ủng hộ Tổng thống Donald Trump, số khác cho hay muốn ủng hộ quyền sở hữu súng hoặc lên án chính phủ.
"Hôm nay tình hình trái với dự đoán và chúng tôi rất vui vì điều đó", Troy Thompson, phát ngôn viên Bộ Dịch vụ cộng, cơ quan bảo vệ nghị viện bang Pennsylvania ở thành phố Harrisburg, cũng cho hay.
Không rõ liệu có phải cảnh báo của FBI và việc tăng cường hiện diện an ninh khắp nước Mỹ đã khiến một số người biểu tình hủy kế hoạch đến thủ phủ bang hay không. Sau vụ bạo loạn ở Washington, một số nhóm dân quân cho biết họ sẽ không tham dự cuộc biểu tình ủng hộ súng đã được lên kế hoạch từ lâu ở bang Virginia vào 18/1, nơi các nhà chức trách lo ngại về nguy cơ bạo lực khi nhiều nhóm tụ tập về thủ phủ Richmond.
Những thách thức ông Biden phải đối mặt
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc kích thích một nền kinh tế đang gặp khó khăn và kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho đến nay không đạt được các mục tiêu mà chính quyền ông Trump đặt ra.
Theo The Hill, có khả năng không có quan chức nội các nào được phê chuẩn vào ngày đầu tiên ông Biden nhậm chức. Bởi vậy, ông Biden sẽ phải tìm cách đoàn kết một đất nước hiện bị chia rẽ sâu sắc sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol. Ông Biden cũng phải đối diện với phiên tòa luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện, có khả năng sẽ bắt đầu ngay trong ngày đầu tiên ông nhậm chức.
Nhiều quan chức cho rằng, đội ngũ của ông Biden đều là những người có kinh nghiệm làm việc ở thủ đô Washington, vì vậy, họ sẽ có thể xử lý tốt những thách thức chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Trong những ngày gần đây, ông Biden tiếp tục nhấn mạnh trọng tâm trong những ngày đầu cầm quyền của ông là ứng phó với đại dịch Covid-19.
Ông Biden đã công bố một kế hoạch giải cứu đầy tham vọng, trong đó bao gồm gói kinh phí 400 tỷ USD nhằm mở rộng khả năng xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, mở cửa lại trường học và thực hiện chương trình tiêm chủng trên toàn quốc để người Mỹ có thể nhanh chóng được tiêm vaccine. Ông Biden đã đặt mục tiêu 100 triệu người Mỹ được tiêm chủng trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.